Đa số các phòng học được cải tạo từ nhà ở nên thiết kế chưa phù hợp với trẻ. Đồ dùng đồ chơi thiếu. Đội ngũ giáo viên ngoài công lập thay đổi thường xuyên, một số ít giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng chưa có bằng cấp. Chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục các nhóm trẻ tư thục không ổn định do giáo viên thay đổi thường xuyên. Giáo viên, nhân viên mầm non thời gian lao động nhiều, mức lương thấp trong khi áp lực công việc cao.
Đây là nội dung báo cáo của UBND huyện Đông Anh trong buổi làm việc với Đoàn công tác liên ngành khảo sát tại Trường mầm non xã Kim Chung và địa điểm có khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) sáng nay (11/1), nhằm đề xuất cơ chế, chính sách về xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong khu công nghiệp.
Báo cáo thực trạng trường, lớp mầm non độc lập tư thục khu công nghiệp, khu chế xuất tại huyện Đông Anh, theo bà Đinh Thị Hương – Phó phòng Giáo dục huyện Đông Anh – hiện nay, tổng số trẻ em trên địa bàn huyện từ 0 đến 36 tháng là 13.890 trẻ. Số đến trường lớp có 6.801 trẻ, đạt tỷ lệ 49%. Độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi có 25.710 trẻ; trong đó số đến trường lớp 26.155 trẻ đạt tỷ lệ 101.7%...
Riêng tại xã Võng La và Kim Chung, tổng số trẻ trong độ tuổi mầm non là 5043 trẻ, trong đó 3.104 trẻ là con công nhân từ nơi khác, số trẻ đến trường lớp đạt 75,2%.
Các khu công nghiệp chưa xây dựng được trường mầm non, khu vui chơi, trung tâm y tế, nhà văn hóa cho công nhân, gây áp lực công tác tuyển sinh cũng như tình hình chính trị trên địa các xã có khu công nghiệp.
Công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn, cán bộ phòng, xã, trường mầm non chưa đủ thời gian kiểm tra sát sao các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đời sống công nhân khu công nghiệp thấp trong khi phải thuê nhà, con gửi trường tư mức học phí cao.
Đại diện địa bàn chịu áp lực nhiều nhất trên địa bàn huyện về số lượng trẻ từ khu công nghiệp, ông Hoàng Đức Khang - Chủ tịch xã Kim Chung – cho biết: Để đảm bảo nhu cầu gửi con của nhân dân địa phương và con em công nhân trên địa bàn xã, năm 2016, thành phố đã xây dựng điểm mầm non cơ sở 2 với 9 lớp học và các phòng chức năng. Tháng 9/2016, tách ra 2 trường công lập là mầm non Kim Chung và mầm non Kim Chung A để đảm bảo công tác quản lý số lượng học sinh tăng.
Địa phương cũng quan tâm đến con em công nhân, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục. Con em công nhân đến trường đều được hưởng chính sách như con em ở địa phương.
“UBND huyện và xã đã rà soát quỹ đất cho giáo dục mầm non. Năm 2018 sẽ khởi công 1 trường thôn Bầu với quy mô từ 300 đến 350 trẻ; thôn Nhuế 1 trường với quy mô 16 lớp và các phòng học chức năng với 600 trẻ” - ông Hoàng Đức Khang cho hay.
Cô trò Trường mầm non Kim Chung A trong giờ học |
Trên quy mô toàn huyện, theo bà Đinh Thị Hương, giải pháp khắc phục khó khăn là rà soát quỹ đất, ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục mầm non. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục mầm non đến năm 2020, đảm bảo quy mô trường, lớp, số trẻ/nhóm, lớp không vượt quá Điều lệ trường mầm non nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ.
Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư mở trường ngoài công lập, hạn chế việc mở các nhóm lớp độc lập nhỏ lẻ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ…
Để đáp ứng tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn, báo cáo của UBND huyện Đông Anh có đưa đề xuất, kiến nghị: trẻ học trong các trường ngoài công lập được hưởng các chế độ chính sách như trẻ học trong các công lập; hỗ trợ kinh phí để mua đồ dùng đồ chơi cho các nhóm trẻ ở nơi điều kiện khó khăn khi các trường công lập không đáp ứng được yêu cầu. Tăng cường kinh phí mua trang thiết bị và xây dựng các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Cùng với đó, tăng biên chế cho các phòng GD&ĐT, các trường mầm non để quản lý giáo dục mầm non ngoài công lập. Nâng mức lương cho giáo viên, nhân viên. UBND thành phố tăng cường chỉ đạo các nhà đầu tư xây dựng khu nhà ở cho con em khu công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phúc lợi như trường mầm non, trung tâm văn hóa, trung y tế để đảm bảo an sinh xã hội cho con em công nhân lao động trong các khu công nghiệp…
Trong khuôn khổ buổi làm việc, buổi sáng, đoàn công tác liên ngành đã đến khảo sát tại Trường mầm non Kim Chung A và nhóm trẻ Hoa Anh Đào trên địa bàn xã Kim Chung.