Áp lực trường lớp tại khu công nghiệp

GD&TĐ - Hiện nay, 24/26 trường mầm non trên địa bàn thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) – nơi có khu công nghiệp Yên Bình – đã quá tải. Số trẻ quá tải lên tới trên 2.000. 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và đoàn công tác làm việc tại thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và đoàn công tác làm việc tại thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên.

Trong thời gian tới, nhu cầu trường lớp mầm non nơi đây cũng như các địa bàn khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khu công nghiệp, khu chế xuất càng trở nên cấp bách bởi số trẻ tăng nhanh.

Quá tải các trường mầm non

Sáng nay (12/11), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, khảo sát tình hình trường, lớp mầm non ở các khu công ngiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) tại Thái Nguyên. Ông Trịnh Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc giữa đoàn công tác với UBND tỉnh, ông Phạm Việt Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên - cho biết: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 KCN lớn, có quy hoạch về diện tích ít nhất của mỗi khu từ 200 ha trở lên. Hiện đã có 4/6 KCN đi vào hoạt động,

Hiện tại, trong các KCN-KCX trên địa Thái Nguyên chưa có trường, lớp mầm non phục vụ con công nhân làm việc tại KCN-KCX. Hầu hết cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn được xây dựng theo quy hoạch của địa phương và từ nguồn ngân sách của tỉnh cũng như của cá nhân đầu tư.

Riêng thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên có 14 cơ sở giáo dục mầm non gần các khu công nghiệp; trong đó có 11 cơ sở giáo dục mầm non công lập và 3 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức, hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ nhằm thỏa mãn chính nhu cầu gửi trẻ của nhân dân trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa - Trưởng đoàn công tác liên ngành làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa - Trưởng đoàn công tác liên ngành làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên.

Theo ông Phạm Việt Đức, do các khu công nghiệp phát triển nhanh về quy mô lao động nên việc xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục (nhà văn hóa công nhân, nhà trẻ, lớp mẫu giáo,…) chưa kịp hoàn thiện. Nhiều KCN khi xây dựng đề án chưa có quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi cho công nhân hoặc có nhưng chỉ nằm trên giấy, chờ kinh phí đầu tư dẫn đến xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non trong các KCN-KCX khó thực hiện.

”Các KCN, KCX không có cơ sở giáo dục mầm non dẫn đến gây áp lực và xảy ra tình trạng quá tải trẻ cho các trường mầm non trên địa bàn có công nhân thuê trọ” – Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho hay.

Báo cáo đoàn công tác khi làm việc tại Trường mầm non Bãi Bông (thị xã Phổ Yên), cô Nguyễn Thị Lượng – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Phổ Yên – chia sẻ áp lực nặng nề của ngành Giáo dục trước sự tăng dân số cơ học: Chỉ tính 3 năm học, số trẻ trên địa bàn liên tục tăng, cụ thể: năm học 2015 – 2016: số lớp là 329 với 10.876 trẻ; năm học 2016 – 2017: số lớp 347, số trẻ 11.407; năm học 2017 – 2018: số lớp 360, số trẻ 12.302.

Đa số trường mầm non trên địa bàn đang trong tình trạng quá tải. Sự quá tải các trường mầm non dẫn tới dự báo các trường tiểu học, THCS sẽ đối mặt với tình trạng quá tải trong thời gian tới. Hiện đã có 4/28 trường tiểu học quá tải.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tặng quà cho các cháu Trường mầm non Bãi Bông (Phổ Yên, Thái Nguyên)
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tặng quà cho các cháu Trường mầm non Bãi Bông (Phổ Yên, Thái Nguyên)

Thu hút đầu tư xây dựng trường ngoài công lập

Trong các giải pháp đưa ra để khắc phục khó khăn về trường mầm non trong khu công nghiệp, việc phát triển các trường ngoài công lập, đẩy mạnh xã hội hóa được đặc biệt quan tâm.

Thông tin từ Phòng GD&ĐT thị xã Phổ Yên, địa phương đã tạo điều kiện phát triển giáo dục ngoài công lập. Hiện trên địa bàn thị xã có 2 cơ sở mầm non tư thục; 2 trường tư thục khác đã có quyết định của UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng.

Khẳng định việc xây dựng thêm trường lớp, định hướng xây dựng trường mầm non tư thục là cần thiết, tuy nhiên cô Nguyễn Thị Lượng – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Phổ Yên – cũng đưa thực trạng: Nhu cầu gửi trẻ của nhân dân chủ yếu tập trung vào trường công lập. Tâm lý phụ huynh muốn gửi con vào trường công. Xung quanh có trường tư, điều kiện cũng tốt nhưng không thu hút nhiều phụ huynh gửi trẻ.

Bên cạnh đó, để khắc phục khó khăn về trường lớp, phòng GD&ĐT dưới dự chỉ đạo của UBND thị xã Phổ Yên, đã thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo quy mô trường lớp, duyệt kế hoạch chi tiết với các trường để thống kê chính xác số trẻ ra lớp. Xác định rõ số trẻ tăng cơ học tại địa bàn và dự tính số trẻ tăng so người lao động đến sinh sống và làm việc; phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh nhằm thống kê nhu cầu gửi trẻ của người lao động nơi khác đến để có phương án chuẩn bị về trường, lớp học đáp ứng nhu cầu tổ chức dạy học tại các trường trên địa bàn.

UBND thị xã yêu cầu phòng GD&ĐT rà soát các điều kiện cho năm học mới. Công trình cũ, xuống cấp có phương án cải tạo, sửa chữa, các trường trong danh sách quá tải được ưu tiên xây mới. Trên 20 công trình xây mới với tổng số vốn đầu tư trên 124 tỷ đồng. 39 công trình cải tạo đã sửa chữa đã ghi vốn 12 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và các thành viên đoàn công tác liên ngành làm việc với thị xã Phổ Yên tại Trường mầm non Bãi Bông.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và các thành viên đoàn công tác liên ngành làm việc với thị xã Phổ Yên tại Trường mầm non Bãi Bông.

Cũng chia sẻ về giải pháp, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết: Tháng 12/2015, UBND tỉnh đã có Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non tại các khu công nghiệp. Căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tích cực triển khai, tổ chức thực hiện để giải quyết nhu cầu học tập của con công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp trong thời gian tới, nhất là khi các khu nhà ở cho công nhân, hộ gia đình được đưa vào sử dụng.

Thái Nguyên là 1 trong 10 tỉnh thực hiện thí điểm Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020” ở giai đoạn 2. UBND tỉnh đã phân công các đơn vị có liên quan phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2018-2020 trình UBND tỉnh ban hành. Theo dự thảo kế hoạch, sẽ có ít nhất 15 nhóm trẻ ĐLTT ở khu Công nghiệp được hỗ trợ, phát triển trong giai đoạn 2018-2020.

Mặc dù trên địa bàn chưa có trường mầm non nào được thành lập dành riêng cho con công nhân KCN, nhưng tỉnh đã thực hiện các giải pháp cụ thể như: thành lập mới các trường mầm non công lập và ngoài công lập; nâng cấp, mở rộng quy mô các trường mầm non, nhất là trên địa bàn xung quanh các khu công nghiệp, các khu ở tập trung công nhân.

Đồng thời, rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Tiếp tục phát triển thêm số lượng các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn đông dân cư. Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thành lập mới 17 trường mầm non, 6 trường tiểu học. Thực hiện chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục.

Trong các KCN có quy mô lớn về người lao động, triển khai thực hiện quy hoạch đã được bố trí các thiết chế văn hóa, giáo dục, trong đó tập trung xây dựng các nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho con công nhân, người lao động.

“Trong điều kiện số trẻ đến trường mầm non tăng nhanh, đội ngũ giáo viên và nhân viên còn chưa đáp ứng kịp thời, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các cơ chế chính sách liên quan đến đội ngũ cũng như đảm bảo chế độ của người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập” - ông Phạm Việt Đức cho biết thêm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa hỏi thăm trẻ mầm non trường Bãi Bông.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT  Nguyễn Thị Nghĩa hỏi thăm trẻ mầm non trường Bãi Bông.

Đánh giá cao nỗ lực của Thái Nguyên trong phát triển giáo dục mầm non, đưa ra những lưu ý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung, giáo dục mâm non tại các vùng có khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đồng thời cho rằng, việc đẩy mạnh phát triển hệ thống trường mầm non ngoài công lập là hướng đi đúng.

“Hiện nay tỉnh Thái Nguyên có 180/180 đơn vị xã, phường, thị trấn có trường mầm non. Tổng số trường mầm non là 229, trong đó có 217 trường công lập, 12 trường ngoài công lập. Với một tỉnh miền núi, có 12 trường ngoài công lập là đáng quý. Như vậy đã manh nha đa dạng hóa loại hình trường lớp mầm non” – Thứ trưởng nhận định.

Với bài toán trường mầm non ở các khu công nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị tỉnh có dự báo, quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng trường lớp; có cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa để thu hút nguồn lực cũng như hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập...

“Cần có sự đồng bộ giữa các giải pháp, cơ chế chính sách và kế hoạch của Nhà nước cũng như các cấp chính quyền để các địa phương tham mưu và thực hiện. Từ đó, có sự điều tiết giữa ngân sách Nhà nước và sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp nhằm tạo bước chuyển trong xây dựng các trường mầm non cho các KCN, KCX nói riêng, phát triển quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung” – đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ