Lớp học đầu tiên của cô Huế

GD&TĐ - Một lần cô tâm sự với tôi qua Facebook: “Có lẽ em không theo nghề luật sư nữa mà chuyển sang làm cô giáo dạy tiếng Việt cho các cháu, em yêu nghề dạy học, yêu ánh mắt học trò lắm anh ạ!”.

Lớp học đầu tiên của cô Huế

Tôi rất ngạc nhiên chia sẻ: “Em sẽ sinh sống ra sao để tiếp tục công việc đây?”.

Cô vui vẻ đáp: “Em sẽ không có tiền bạc, không có nhà lầu xe hơi nhưng em được cộng đồng người Việt Nam ở đây ủng hộ và quan trọng hơn là em thấy các cháu luôn nở một nụ cười mãn nguyện khi trở về Việt Nam giao tiếp được với người thân, họ hàng của mình bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ đó anh ạ”.

Lại nói về giai đoạn của những năm 2014, xã hội Ukraine không ổn định cho lắm. Hằng ngày đi làm đâu được tự do như ở Việt Nam. Nhưng với lòng yêu nghề, dành hết tâm huyết cho việc dạy học.

Ngày nào cũng 3 ca (sáng, chiều và tối) cô đi đến các vùng lân cận mở lớp dạy chữ cho các cháu. Cứ đến muộn mới về, đêm nào về đến nhà cũng là lúc các con đã ngủ say.

Để có những cuốn sách dạy học trò cô phải liên hệ gửi từ Việt Nam sang. Hơn thế nữa, việc dạy những học sinh ở đây hoàn toàn khác biệt với học sinh ở Việt Nam; học sinh không phải bậc mầm non, tiểu học hay THCS.

Cô giáo cũng không có giáo trình nào chuẩn mực như những trường lớp trong nước. Làm được những công việc như thế có lẽ chỉ những người quá yêu nghề, quá nhiệt huyết mới có thể làm được.

Trong việc dạy học, cô luôn luôn tìm tòi những phương pháp khác nhau để truyền đạt cái chữ cho học sinh của mình. Từ Việt Nam những phương pháp, những cách thức giảng dạy mới như tổ chức mô hình học nhóm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trang trí lớp học... đều được cô tiếp thu và áp dụng.

Ngoài việc dạy cô luôn sáng tạo tổ chức những trò chơi dân gian đến từ Việt Nam như kéo co, nhảy dây... nhằm thu hút học sinh hào hứng, tích cực học tập hơn, hướng học trò tới những thuần phong mĩ tục của người Việt. Những ngày lễ, Tết theo phong tục của Việt Nam (khai giảng, 20/11, 8/3...) cũng được cô tổ chức cho học trò rất chu đáo.

Trải qua những ngày tháng làm việc miệt mài, cô được phụ huynh học sinh, các tổ chức xã hội đồng tình ủng hộ. Những việc làm của cô đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine biết đến. Mô hình làm việc của cô được nhân rộng, những lớp dạy tiếng Việt chuẩn mực đã ra đời.

Cho tới giờ đây, các học trò ngày nào của cô đã đọc thông viết thạo tiếng Việt. Để tỏ lòng biết ơn người thầy đã dạy dỗ mình, hằng năm cứ đến ngày 20/11 các bé lại nô nức kéo tới thăm hỏi, động viên và tặng quà cô giáo.

Niềm vui đó chính là sự hi sinh không biết mệt mỏi, sự nhiệt huyết trong sự nghiệp trồng người. Sự hi sinh thầm lặng ấy đã mang tới cho con em người Việt Nam ở đây những niềm vui. Công sức của cô đã được bù đắp xứng đáng.

Tôi thật may mắn được quen biết người bạn ấy. Bản thân tôi học hỏi được rất nhiều từ người đồng nghiệp chưa một lần gặp mặt ngoài đời; từ tinh thần trách nhiệm, sự hi sinh hết mình cho đàn em thơ, sự quyết tâm và phấn đấu học hỏi không biết mệt mỏi.

Và cao cả hơn đó là tình yêu quê hương đất nước, dù ở nơi đất khách nhưng cô vẫn không quên nơi chôn rau cắt rốn của mình, vẫn quyết tâm mang nền văn hóa Việt Nam ta đến với bạn bè quốc tế.