“Cô ơi, em đây”

GD&TĐ - Nhà tôi là dân vạn chài. Sáng đang ở khúc Trầm, trưa có khi đã ở khúc Rủ, chiều tối lại đã ở khúc Cạn. Cả ngày lênh đênh sông nước, chiếc nhà thuyền chật, ra chạm vào quệt lại thêm một miệng ăn. 

“Cô ơi, em đây”

Trên chiếc nhà thuyền chưa đầy 7 mét vuông phải chứa chín người. Chiếc nhà thuyền của dân vạn chài dường như luôn quá sức chở truyền kiếp để lại. Anh em tôi đều là người không biết chữ.

Vào những năm 1960, các gia đình vạn chài theo cuộc vận động “ba ngọn cờ hồng” của Đảng đều phải lên bờ tham gia hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã nông nghiệp. Dân chài lưới, lên bờ, tất cả các việc nhà nông, cày cuốc, trồng cây, bón phân đều lóng ngóng. Người làng quen việc, ngày công lao động được trả mười điểm, còn những người như gia đình tôi chỉ được tính bằng một nửa. Đến vụ hợp tác xã chia thóc, nhà tôi luôn rơi vào diện thấp nhất. Chín miệng ăn chỉ nhận cả vụ cùng lắm hai tạ thóc.

Thóc ít, miệng nhiều, chưa đầy 2 tháng đã hết sạch. Đói triền miên. Mấy anh em tôi người nào người nấy bé nhỏ, gầy gò như dãi khoai. Để lấp đầy bụng đói, mấy anh em quen sông nước lại đi mò cua, bắt ốc. Gặp gì ăn nấy miễn là ních chật cái dạ dày lúc nào cũng sôi ùng ục. Ăn sống, ăn sít, vớ gì ăn nấy nên tôi bị lở. Mụn bọc phủ kín trên đầu. Lúc đầu chỉ nổi mụn nho nhỏ rồi cứ to dần lên bằng đầu ngón tay, ngón chân cái. Mọc một thời gian, các mụn ấy bưng mủ, nhức và buốt vô cùng. Có nhiều lúc tôi cảm thấy nước mủ xoáy xoáy trong bọc mụn. Khi bọc mụn vỡ ra, nước mủ chảy từ đầu xuống cổ rồi vai, tràn xuống cả người. Nước mủ nhầy nhầy đo đỏ như máu cá.

Mùi tanh tanh, khăm khẳm ai đi qua cũng phải khạc nhổ cho đỡ lợm giọng. Vì nhà nghèo, chỉ có cái quần đùi nên nước mủ chảy đến đâu, chỗ đó lại mọc mụn lên theo. Cả người tôi chỗ nào cũng mụn và mủ. Mỗi khi tôi đi đến đâu, ruồi bay nhao nhao từng đàn. Để tránh ruồi, tôi thường ngâm mình dưới nước cũng là để kiếm cái ăn.

Cũng năm đó, làng yêu cầu bố mẹ phải cho anh em tôi đi học. Tôi vào lớp vỡ lòng. Lớp học tại nhà cô giáo. Gian giữa nhà, kê mấy cái ghế băng làm bằng hai cây tre ghép lại. Mặt bàn làm bằng mấy miếng gỗ bìa của thợ mộc thải loại.

Ngày tôi đến lớp, người chỉ có mỗi cái quần đùi, da đen nhẻm, toàn thân phủ mùi tanh tanh khăm khẳm và đàn ruồi nhặng nhao nhao bay theo. Khi tôi bước vào cửa lớp. Cả lớp hét ầm lên rồi bỏ chạy ra sân. Cô cũng đưa tay bịt mũi. Khi nhìn thấy tôi ở cửa lớp, cô không nói gì, lặng lẽ đi lại. Mùi tanh, khắm xộc vào mũi làm cô gập người xuống nôn. Rất nhanh, cô đứng lên, cầm tay tôi kéo ra cửa bếp. Cô dặn tôi đứng chờ cô và nói các bạn trong lớp cứ chơi ngoài sân, đừng chơi đâu xa.

Cô ra vườn hái nắm lá cây rồi cho vào nồi bắc bếp đun. Tôi đứng ở cửa bếp phải nắm lấy túm rạ để xua ruồi. Các bạn trong lớp chơi ở góc sân cứ chăm chăm nhìn tôi rồi khạc, nhổ ra xung quanh. Cô mang cái nồi nước sôi ra sân giếng đổ vào cái chậu nhôm to pha nước lã rồi dắt tay tôi ra đó.

“Bây giờ cô tắm cho em xong rồi cô trò mình vào học nhé”. Cô chia nồi nước lá làm mấy phần. Mỗi lần cô chỉ gạn một ít ra chậu nhôm rồi đậy vung giữ ấm. Tôi không nói gì. Phần vì lạ, phần lần đầu tôi được có người tắm cho như thế này. Cô bế tôi lên lòng. Ngả đầu tôi vào chậu nước lá. Cô vớt vớt nước lên đầu rồi nhẹ nhàng lấy khăn xoa nhè nhẹ. Mụn bọc gặp nước ấm, vỡ miệng, mủ chảy càng nhiều. Vừa bị nhức do mụn bọc vỡ, lại xót từ nồi nước lá. Tôi đau quá, khóc. Có lúc đau quá, tôi văng tục, chửi. Cô vẫn ôm tôi vào lòng, vừa gội đầu cô vừa nhẹ nhàng dỗ dành: “Ngoan nào. Đàn ông ai lại khóc thế. Bạn gái họ cười chết. Nín đi. Tắm xong cô cho củ khoai”. Gội xong, cô lấy nước lá còn lại tắm cho tôi. Nước mủ từ các mụn nhọn hòa vào nước lá sền sệt.

Tắm gội xong, cô dắt tôi vào phòng, lấy khăn khô bao đầu và người. Cô đưa cho tôi chiếc quần đùi cùng bộ quân phục bộ đội. Sau này tôi được biết, đấy là bộ quần áo của chồng cô để lại trước khi vào chiến trường miền Nam. Cô xé tấm vải màn quấn kín đầu tôi cho không bị ruồi cắn. Cô xếp tôi ngồi ngay bàn đầu còn các bạn bàn phía sau. Khi tôi ngồi xuống ghế, cô đưa tôi gói giấy báo cuốn dài dài. Cô ghé sát xuống nói nhỏ: “Khoai của em đây”. Lúc này tôi mới thấy, cả người cô bị nước mủ khi bế tôi tắm gội dính đầy trên áo. Cô thay quần áo rồi lên lớp. Thỉnh thoảng cô rời bục, đi lại gần tôi lấy tay phẩy phẩy trên đầu. Một tháng như thế. Sáng tắm trước khi vào lớp, trưa tắm trước khi tôi về. Các mụn bọc đóng miệng, khô dần và khỏi. Cũng bắt đầu từ đó, tôi khỏi hẳn lở đầu.

Cô chỉ dạy vỡ lòng nên các lớp trên tôi không còn được học cô nữa. Theo tháng năm, tôi lớn lên, trưởng thành và đi bộ đội. Những năm tháng xa nhà, tham gia chiến đấu trên biên giới phía Bắc rồi đi các đơn vị. Do công việc, tôi chưa có dịp về thăm cô. Rồi có một lần, trên đường công tác, tôi gặp con gái của cô. Hai anh em nhận ra nhau. Chuyện qua chuyện lại, kể về ngày tôi học vỡ lòng, được cô tắm, gội rồi cho củ khoai mỗi sáng. Đến lúc này tôi mới biết. Củ khoai mỗi sáng cô đưa tôi là bữa ăn sáng của cô mà hợp tác xã chia cho. Nghe con cô giáo nói. Tôi lặng đi, nói thầm trong dạ: Cô ơi! Thế là em ăn hết cả phần sáng của cô một năm mà không biết. Nước mắt tôi cứ thế trào ra.

Chiều qua, anh bạn cùng thuở vỡ lòng gọi điện báo cô bị mắc bệnh tiểu đường, biến chứng làm mờ mắt. Cô đang điều trị ở bệnh viện. Tôi vội đến thăm. Cô đang nằm trên giường, nghe có tiếng chân bước đến gần, ngồi dậy, với tay kéo tấm ga phủ ngang chân.

- Em chào cô ạ.

- Ờ. Khương đấy à? Sao em biết cô ở đây mà vào thăm?

- Vâng. Cô ơi. Em đây. Cô vẫn nhận ra em sao?

Cô cười rất tươi.

- Cô vẫn nhớ chứ. Cái giọng đanh như sành, như vại. Cô quên sao được.

Nghe cô nói thế, nước mắt tôi lại trào ra. Tôi ngồi quỳ dưới sàn, sà vào lòng, gục đầu lên gối cô. Cô lấy tay xoa xoa lên đầu rồi sờ sờ xuống mặt.

- Em khóc đấy à? Sao lớn rồi mà vẫn hay khóc thế? Nào. Ngồi lên đây, cạnh cô.

Tôi đứng lên, ngồi bên. Cô lấy tay, kéo đầu tôi vào gần. Tôi cúi đầu, áp nhẹ vào lòng cô. Cô xoa xoa lên tóc.

- Tóc em rụng nhiều rồi đấy. Hơn năm mươi năm rồi còn gì. Sẹo cũng không còn nữa. Bao nhiêu năm cô cứ lo em phải mang sẹo vì mụn bọc thì khổ. Được thế này cô mừng lắm.

Tôi thấy có giọt nước rơi xuống má. Giọt nước mắt vui của cô sau bao năm lo đứa học trò bị bệnh lở đầu ngày nào. Em lại ước gì được lở đầu, được ăn vạ trong lòng cô mỗi khi đến lớp. Cô ơi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ