Hạnh phúc trong bóng đêm

GD&TĐ - Câu chuyện cứ đều đều trôi trong đêm mưa bão. Liễu ra đời ở một vùng quê nghèo đầy khốn khó thuộc TP Cần Thơ. Từ tấm bé Liễu luôn mơ ước trở thành cô giáo đứng trên bục giảng để đem kiến thức đến với học sinh nghèo quê cô như một sự trả ơn nơi chôn nhau cắt rốn.

Hạnh phúc trong bóng đêm

Cái ngày đỗ vào Trường Cao Đẳng Cần Thơ, cô bé Nguyễn Thị Thúy Liễu đã khóc thật nhiều vì hạnh phúc đúng với tâm nguyện của mình. Ngày ấy…

Cái làng quê nhỏ mút tận ngọn con rạch hôm nay xôn xao với cái tin con Liễu đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm. Không xôn xao sao được, học trò nghèo ấp này tối ngày phải phụ giúp cha mẹ kiếm ăn bằng mọi cách. Giỏi lắm chỉ học đến lớp bảy, lớp tám là nghỉ học, vậy là quý rồi chớ nói chi đến đậu tú tài, đậu cao đẳng như người ta.

Hạnh phúc tưởng đã đến với cô gái nghèo khi xuất hiện một người bạn học hết lòng chăm sóc yêu thương.

- Ra trường đi dạy vài năm, hai đứa mình làm đám cưới nghe. Phong – bạn trai Liễu – bao giờ cũng động viên như vậy.

- Lỡ ba má anh hổng chịu em rồi sao?

- Nói bậy không hà? Ba má anh thương anh nhất nhà đó. Mà em quá dễ thương lại hiền lành ai mà không mến.

- Nè. Rũi mai mốt em bị bệnh gì đó bất ngờ không giống người ta. Anh có còn thương em hôn?

- Sao em nói vậy? Dù có chuyện gì thì anh vẫn sẽ thương em suốt đời. Giọng Phong chắc nịch.

Những lúc ấy Liễu nghe lòng ấm áp, hạnh phúc và thương Phong đến lạ lùng.

Ra trường cả hai được phân công về công tác tại một trường trung học cơ sở. Liễu giảng dạy môn Anh văn. Hàng ngày vượt gần chục cây số đường làng, cô hăm hở đến với học trò của mình với bao niềm vui, niềm ước mơ cháy bỏng. Nhìn lũ học trò nghèo chân đất đến trường trong những bộ quần áo bạc thếch vàng úa lấm lem sình đất. Cô đã cố nén lòng để không bật lên tiếng khóc vì xúc động dâng trào.

Quê cô nghèo và đầy nắng gió vẫn chưa hàn gắn hết vết thương chiến tranh hằng mấy mươi năm qua. Vậy mà lớp không đứa nào bỏ học giữa chừng. Có lẽ chúng muốn chia sẻ niềm vui với một cô giáo trẻ mới ra trường đang khát khao thực hiện nhiều hoài bão vì đàn em thân yêu. Hai năm đứng trên bục giảng thì hai năm cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lũ học trò nhỏ ấy xúm xít vây quanh chúc mừng cô với những bó hoa dân dã nhưng nồng ấm tình người.

- Mong cô sớm có chồng. Cả lũ đồng thanh thét lên rồi vỗ tay rần rần. Liễu lặng người vì quá bất ngờ và xúc động. Chúng nó thơ ngây, thiếu thốn và chân thật đến dường nào. Hạnh phúc đến tái tê lòng.

Vậy mà bất hạnh đã ập tới đè nặng lên cuộc đời cô như nghiệp chướng cứ mãi đeo mang. Đôi mắt cứ bị mờ dần. Chạy chữa khắp nơi từ Cần Thơ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến tận TP Hồ Chí Minh nhưng tất cả đều vô vọng. Bác sỹ kết luận Liễu bị viêm màng bồ đào không còn cứu được đôi mắt, căn bệnh quái ác hiếm hoi kia lại rơi ngay xuống cô, một cô giáo trẻ đang căng đầy nhựa sống.

Bất hạnh chồng lên bất hạnh. Người bạn trai đã từng thề non hẹn biển ấy chuẩn bị tiến đến hôn nhân sau khi biết cô lâm bệnh hiểm nghèo, ban đầu còn lui tới thăm hỏi động viên, nhưng rồi cũng thưa dần và biệt dạng. Nghe đâu đang chuẩn bị kết hôn cùng một cô gái khác. Liễu không trách hờn oán giận. Âu cũng là lẽ thường tình. Người ta có quyền lựa chọn hướng đi riêng cho cả cuộc đời tươi đẹp của họ. Có chăng chỉ là sự thương hại trong một vài giây phút xao lòng khi nhớ về quá khứ êm đềm. Cô cố dằn lòng để xua tan hình bóng người yêu cũ để có được nghị lực sống. Nói nghe dễ chứ quên mối tình đầu thật khắc nghiệt và chua xót đến dường nào.

- Rồi sao nữa? cô kể tiếp đi. Tiếng Lâm cắt ngang câu chuyện kể với vẻ sốt ruột.

- Chú cứ từ từ nghe kể. Chuyện còn dài lắm. Mưa còn lớn phải hôn chú? Con nghe tiếng mưa còn nặng hạt mà. Liễu vẫn từ tốn nhẹ nhàng.

Một hôm nghe trên radio kể chuyện một em nhỏ bị tật gù lưng và mất một phần thân thể nhưng vẫn lạc quan yêu đời làm nhiều việc có ích cho xã hội, Liễu xúc động quá và quyết định chọn cho mình một hướng đi mới lạc quan hơn. Cô đăng ký học chữ Braille, loại chữ dành cho người khiếm thị và đăng ký công tác tại hội người mù thành phố và đang là thường vụ thành hội. Hàng ngày với nhiệm vụ phụ trách công tác tuyên giáo, cô lắng nghe tâm tư nguyện vọng của trên bảy trăm người đồng cảnh ngộ để tư vấn động viên, tháo gỡ những ách tắc tạo thêm nghị lực sống cho họ, chủ động đề xuất những giải pháp khả thi dựa vào sự quan tâm giúp đỡ hỗ trợ từ cộng đồng xã hội. Liễu còn đang ấp ủ nguyện vọng dạy Anh văn cho hội viên của mình.

- Con luôn nhớ lời Bác Hồ dạy tuy tàn nhưng không phế, cạnh đó mình phải cùng thông cảm sẻ chia nỗi bất hạnh của những mảnh đời không may mắn, giờ thì con rất lạc quan yêu đời.

Dù rất khó khăn nhất là việc lo toan chu đáo sinh hoạt cá nhân, đi lại, kể cả việc tự nấu ăn hàng ngày giờ đây đã quá quen thuộc với bản thân. Hàng đêm cô lại tự mày mò đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu với niềm đam mê rất lạ thường. Dù cơ quan cách nhà trên 20 km, nhưng tuần nào Liễu cũng tranh thủ về đoàn tụ với gia đình, kể lại những công việc đã làm được trong niềm hạnh phúc vô biên.

- Nói thật lòng, ai cũng mong mình có được một mái ấm riêng tư dù rất mong manh nhưng không phải không có được trong cuộc đời này phải không chú?

- Chú tin là như vậy. Lâm trả lời. Đôi mắt cứ đăm đăm nhìn thật sâu vào đôi mắt Liễu.

Trong khoảng đêm đầy giông bão, Lâm đang thấy thấp thoáng trước mắt mình những bó hoa đồng nội của học sinh quê nghèo đến với Liễu trong ngày 20/11. Cô sẽ được nắm lấy những bàn tay nhỏ xíu chai sần, để thầy trò cũng khóc trong niềm hạnh phúc mênh mông.

Hôm nay Lâm nhận được một thiếp cưới rất lạ thường. Thiệp của Liễu báo tin cô lấy chồng. Lấy chồng đúng vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Hấp tấp dựng xe vào góc sân đầy sình đất sau cơn mưa tầm tã tháng mười một, Lâm đã nhìn thấy Liễu hôm nay thật rạng rỡ xinh đẹp hơn bao giờ hết, đang nắm tay chồng lần dò từng bước chậm rãi bước ra mừng bạn bè.

- Chú đây. Liễu ơi. Lâm sung sướng thốt lên.

- Chú hả? Giọng Liễu ngập ngừng xúc động, con trông chú quá trời.

- Đây là chú Lâm, người mà em thường kể cho anh nghe đó. Liễu ôn tồn nói với chồng.

Sau này Lâm mới biết, người thanh niên ấy mỗi tuần từ Cần Thơ cũng về quê thăm nhà. Duyên nợ thế nào mà cả hai đều là hành khách thường xuyên trên những chuyến xe buýt. Từ cám cảnh, thán phục rồi chuyển dần sang tình yêu. Nghĩ rất lạ!

Cả hai vợ chồng nắm chặt lấy tay Lâm như muốn sẻ chia niềm hạnh phúc đang đong đầy. Đồng nghiệp xưa của Liễu hôm nay có mặt đầy đủ, ai cũng đôi mắt đỏ hoe vì xúc động, mừng cho cô có được một mái ấm gia đình rất đặc biệt, rất bất ngờ này.

Vậy là chuyện cổ tích giữa đời thường rất có hậu đã đến với cô.n

(Tặng cô giáo Liễu)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.