Gian dối với người tiêu dùng - doanh nghiệp nhận kết đắng…

GD&TĐ - Quảng cáo một đằng, giá trị thực tế của sản phẩm (dịch vụ) một nẻo là tình trạng khá phổ biến, kiểu “Bột giặt tẩy cực sạch mà không cần vò”; “Thực phẩm chức năng có tác dụng khỏi bệnh”… Sự không trung thực của người bán có thể khiến người mua hiểu lầm thông tin, mua sản phẩm (dịch vụ); nhưng về lâu dài, kiểu kinh doanh “chộp giật” này có thể gây hậu họa “gậy ông đập lưng ông”.

Người tiêu dùng có thể “quay lưng” với những doanh nghiệp có cách kinh doanh gian dối. (Ảnh: Bắc Sơn)
Người tiêu dùng có thể “quay lưng” với những doanh nghiệp có cách kinh doanh gian dối. (Ảnh: Bắc Sơn)

Gieo lừa dối...

Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh (thành viên Ban cố vấn Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh), tình trạng quảng cáo, truyền thông thái quá dẫn đến những hệ lụy cho chính thương hiệu của doanh nghiệp. Trên thực tế có những công ty (doanh nghiệp) quảng cáo tràn lan không trung thực về thành phần, công dụng sản phẩm bán ra thị trường.

Chẳng hạn, quảng cáo “Bột giặt tẩy cực sạch mà không cần vò”; “Nước rửa chén chỉ cần 1 ít là có thể rửa cực sạch”; “Mỳ ăn liền có con tôm rất to, đùi gà rất hấp dẫn”; “Thực phẩm chức năng có tác dụng khỏi bệnh”… Nhưng thực tế chất lượng sản phẩm, cũng như cảm nhận của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm lại hoàn toàn sai khác.

Một kiểu quảng cáo sản phẩm, dịch vụ “lập lờ” khác khá phổ biến là bỏ sót thông tin, khiến khách hàng hiểu lầm về những quyền lợi trên thực tế nếu mua (sử dụng) sản phẩm (dịch vụ). Ví dụ, quảng cáo giá vé máy bay “Bay từ A đến B chỉ 10 USD” (trên thực tế nếu mua vé máy bay khách hàng phải trả nhiều tiền hơn hẳn mức giá nêu trong quảng cáo, vì phải cộng thêm các loại thuế, phí...).

Hay quảng cáo khá phổ biến trong lĩnh vực bất động sản: “Chỉ 300 triệu sở hữu căn hộ...”, trên thực tế “300 triệu” đó thường là số tiền phải chi trả ban đầu để có thể “đặt mua” căn hộ, chưa bao gồm phần lớn số tiền sẽ phải trả sau.

Thậm chí, vì mục đích bán được hàng hóa (dịch vụ) mà nhiều người kinh doanh, doanh nghiệp cố tình làm những quảng cáo không đảm bảo về tính hợp pháp, quảng cáo không phép (hoặc không đúng phép); quảng cáo online không được kiểm soát; quảng cáo nói xấu đối thủ… Hay thậm chí tự nhận mình là “số 1” trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa (dịch vụ) nào đó.

Một cửa hàng giới thiệu “Tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản”, nhưng bán phần lớn hàng xuất xứ Trung Quốc. (Ảnh: Bắc Sơn)
  • Một cửa hàng giới thiệu “Tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản”, nhưng bán phần lớn hàng xuất xứ Trung Quốc. (Ảnh: Bắc Sơn)

Gặt trái đắng…

Ông Nguyễn Quốc Thịnh thẳng thắn cho rằng: Thực trạng “không trung thực” của những người kinh doanh, doanh nghiệp, đã khiến suy giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, thương hiệu, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Từ đó, hệ lụy có thể xảy ra bất cứ lúc nào là sự quay lưng lại của khách hàng.

Gian lận, không trung thực khiến hình ảnh thương hiệu bị mờ nhạt dần theo thời gian. Chưa kể doanh nghiệp sẽ chịu các hình thức xử lý của pháp luật cho những hành vi sai phạm liên quan. Doanh nghiệp gian dối vô hình trung tạo cơ hội cho đối thủ “vượt mặt” và khai thác điểm yếu trong quá trình cạnh tranh. Thậm chí, hành động không trung thực thông tin về hàng hóa (dịch vụ) đối với người tiêu dùng, dẫn đến sự suy giảm lòng tin và gắn bó của chính người lao động trong doanh nghiệp, tạo thói quen, tác phong xấu trong nội bộ.

PGS.TS Đỗ Minh Cương (Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh) nhận định: Thời gian trước đây, việc một số doanh nghiệp tự xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã thể hiện sự nhanh nhạy với cái mới, cùng sự quyết tâm theo đuổi lối kinh doanh tiên tiến, có đạo đức, văn hóa. Song, vì chưa có tầm nhìn và chính sách quốc gia hướng dẫn, hỗ trợ, nên quá trình xây dựng, quản trị nền văn hóa doanh nghiệp của một số doanh nghiệp “tiên phong” không tránh khỏi cảm giác cô đơn, trạng thái mò mẫm cách làm và gặp nhiều trở ngại, vướng mắc.

“Sự tiên phong và cách thức làm văn hóa doanh nghiệp thành công ở các doanh nghiệp lớn tiêu biểu như: FPT, Viettel, Vinamilk, Vietcombank, Vingroup, Thế giới di động... đã cho chúng ta thấy đây chính là một nguồn lực, tài sản lớn và phương thức quản trị doanh nghiệp hiệu quả, được lòng dân, giúp doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, phát triển bền vững và thực hiện tốt trách nhiệm với xã hội”. - PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.