Giảm thiểu tình trạng bỏ học giữa chừng ở trường học vùng cao

Học sinh huyện vùng cao Sìn Hồ tham gia tìm hiểu về tảo hôn.
Học sinh huyện vùng cao Sìn Hồ tham gia tìm hiểu về tảo hôn.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, ngành Giáo dục vùng cao Lai Châu tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục về giới trong trường học để nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh về tác hại tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Nâng cao nhận thức

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc lâu nay để lại nhiều hậu quả về sức khỏe, tâm lý đối với trẻ em, đặc biệt trẻ em gái. Để giảm thiểu vấn nạn tảo hôn lứa tuổi học đường, ngành Giáo dục Lai Châu đã đưa nội dung giáo dục giới tính vào trường học, nhất là cấp THCS, THPT. Từ đó, nâng cao nhận thức cho học sinh, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng để “dựng vợ, gả chồng”.

Sở GD&ĐT Lai Châu đã chỉ đạo các nhà trường tăng thời lượng giáo dục kỹ năng sống, sinh hoạt ngoại khóa, trọng tâm giáo dục đạo đức, giữ gìn văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp. Lồng nội dung giáo dục giới tính học đường cho học sinh vào môn học: Giáo dục công dân, Sinh học, Giáo dục địa phương. Cùng đó, tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại tảo hôn, hôn nhân cận huyết, hướng dẫn học sinh ăn ở, sinh hoạt khoa học, quan tâm sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, năm 2023 các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tham dự buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần tại Trường PTDTNT THPT huyện Sìn Hồ, không khí hào hứng, sôi nổi của học sinh thể hiện rõ. Chủ đề cô trò lớp 11A2 lựa chọn là phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Vở kịch “Cái đầu ta đã sáng” được học sinh chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng dưới hình thức sân khấu hóa. Vở kịch mang đến cho người xem một góc nhìn rõ nét về thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng như những hệ lụy đáng tiếc...

Buổi sinh hoạt trở nên sôi nổi hơn khi học sinh được tham gia các trò chơi với bộ câu hỏi tìm hiểu kiến thức về: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Vấn đề về tình bạn, tình yêu lứa tuổi học sinh, cách phòng tránh thai ngoài ý muốn được giáo viên truyền đạt cởi mở, dễ hiểu, tạo sự hào hứng cho học sinh.

Ngành GD-ĐT Lai Châu đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Ngành GD-ĐT Lai Châu đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Em Thào Minh Quang - lớp 11A2, Trường PTDTNT THPT huyện Sìn Hồ cho biết: “Em nhận thức rõ tác hại của tình trạng tảo hôn qua buổi tuyên truyền. Em sẽ chia sẻ kiến thức đã học tới gia đình, người dân để cùng chung tay đẩy lùi hủ tục”.

Sìn Hồ - địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao, trong đó nhiều học sinh bỏ học để lấy chồng. Để giảm thiểu vấn nạn này, thời gian qua, các trường tăng cường biện pháp tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, can thiệp, hỗ trợ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ, cuộc thi tìm hiểu kiến thức.

Đồng thời, các thầy cô lựa chọn những bài học phù hợp quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình, giáo dục giới tính để lồng ghép vào các môn học nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống. Từ đó, giúp các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực, từng bước góp phần đẩy lùi vấn nạn tảo hôn trên địa bàn.

Trường PTDTNT huyện Phong Thổ lồng ghép giáo dục giới tính vào môn GD Công dân.

Trường PTDTNT huyện Phong Thổ lồng ghép giáo dục giới tính vào môn GD Công dân.

Trường học nói không với tảo hôn

Song song với công tác dạy học, Trường PTDTNT huyện Phong Thổ đã quan tâm giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Trường PTDTNT huyện Phong Thổ đã thành lập mô hình “Trường học không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống”. Cùng đó, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho từng năm học, giai đoạn.

Cô Vàng Thị Trịnh – Trường PTDTNT huyện Phong Thổ cho biết: “Nhà trường chú trọng tuyên truyền cho học sinh các vấn đề sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, bạo lực học đường, tảo hôn… Việc tuyên truyền được tổ chức linh hoạt dưới nhiều hình thức như: Sinh hoạt dưới cờ, tiết chào cờ thân thiện, sinh hoạt nội trú, lồng ghép vào môn học. Qua đó, nhận thức của học sinh nhà trường nâng cao, không xuất hiện tình trạng tảo hôn”.

Hàng năm, Trường PTDTNT huyện Phong Thổ còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Huyện đoàn, Trung tâm Y tế huyện tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa, hội thi tìm hiểu giới tính, tác hại, hệ lụy từ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thường xuyên cử giáo viên xuống bản gặp gỡ phụ huynh, đặc biệt vào dịp trước Tết và nghỉ hè, bởi đây là thời điểm thường xảy ra tảo hôn. Với cách làm này, nhiều năm qua Trường PTDTNT huyện Phong Thổ không còn vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Ông Lò Việt Tuyển - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu cho biết: “Toàn ngành xác định phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chú trọng tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho học sinh, phụ huynh về tác hại tảo hôn và hôn nhân cận huyết”.

“Nhờ đưa nội dung giáo dục giới tính vào trường học, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã giúp nhiều học sinh nâng cao nhận thức về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ đó, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng để kết hôn sớm, từng bước giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn tỉnh”, ông Lò Việt Tuyển cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ