Gắn bó với xã Nậm Manh từ năm 2014, Thầy Tao Xuân Khoa- Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu) đã có những cách tuyên truyền hiệu quả giúp ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở vùng đất này, giúp các em học sinh tiếp tục được đi học.
Nậm Manh là xã mới thành lập của huyện Nậm Nhùn, với hai dân tộc chính là Mông và Khơ Mú, điều kiện sống, sinh hoạt còn rất nhiều khó khăn. Vòng luẩn quẩn: đói nghèo - tảo hôn - thất học như sợi dây trói chặt tương lai của người dân nơi đây.
Mỗi lần về bản vận động học sinh ra lớp, thầy Khoa luôn trăn trở về những cặp vợ chồng đang trong tuổi đi học sống trong những căn nhà tuềnh toàng, thiếu thốn, cơm không đủ ăn, những đứa trẻ thò lò mũi xanh, ốm yếu...
“Chuyện buồn thì có nhiều nhưng từ ngày lên đây tôi không thể nào quên được những em học sinh của mình hôm trước vẫn đang lên lớp, vẫn tập văn nghệ, hôm sau đã về nhà người ta làm vợ người khác. Có em làm mẹ khi chiếc nhãn vở mới dán còn chưa kịp viết tên, có em lấy chồng rồi chia tay mà tuổi vẫn chưa qua 16.
Có em mới chỉ lấy chồng môt thời gian ngắn, khi gặp lại tôi gần như không nhận ra vì các em già quá, kham khổ quá. Những cái tên như Hạng Thị Máy (lấy chồng năm 14 tuổi và chồng là học sinh trong trường), Giàng Thị Bầu (lấy chồng khi 14 tuổi) và Sùng Thị Mái… là những em học sinh mà tôi không bao giờ quên được” - thầy Khoa chia sẻ.
Trước thực trạng này, thầy Khoa thấy rằng cần phải có sự thay đổi, và đó là trách nhiệm của những người thầy giáo. Thầy đã gặp gỡ trưởng bản, cha mẹ học sinh, liên hệ với lãnh đạo xã để cùng tuyên truyền, giáo dục các em.
Tuy khi gặp những “nhân vật chính” luôn hứa hẹn, đồng ý quyết tâm đi học trở lại nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó có khi chính người đã hứa hẹn lại chính là người thúc giục, đồng tình hoặc làm ngơ cho các em lấy vợ, lấy chồng.
Thấy rằng tuyên truyền theo lối mòn không hiệu quả, không khiến bà con hiểu được tác hại của việc tảo hôn, với năng khiếu sẵn có cộng với nhiều năm thực tế, thầy Khoa chuyển hình thức tuyên truyền từ trực tiếp sang lợi dụng công nghệ, mạng xã hội.
Mỗi lần đi bản vận động học sinh, thầy Khoa đều mang thêm máy ảnh, máy quay phim để ghi lại những hình ảnh minh chứng cho cuộc sống kham khổ, những bất hạnh của các cặp tảo hôn. Thầy còn khéo léo gợi chuyện để chính những em học sinh bỏ học, tảo hôn “trải lòng” về cuộc sống của mình để những thước phim, hình ảnh thêm thuyết phục.
Ngoài ra, để gần gũi hơn với các em, thầy Khoa tự học tiếng dân tộc Mông để tiện trao đổi, thuyết phục và dùng đó làm ngôn ngữ tuyên truyền. Sau khi có “nguyên liệu” thầy tự mầy mò học hỏi, tìm cách dựng các đoạn phim ngắn về người thật việc thật trong bản, trong xã.
Nội dung chính của các đoạn phim đó là thực trạng tình trạng tảo hôn và hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết với lời chia sẻ của chính người trong cuộc bằng chính ngôn ngữ của đồng bào nơi đây.
Trong clip thầy cũng phân tích tác hại, biện pháp phòng ngừa; đồng thời đưa ra những tấm gương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để các em học sinh nói riêng và thanh, thiếu niên khi tiếp cận với các đoạn phim của thầy có được mục tiêu, mục đích, thấy được cuộc sống tươi sáng khi có học, từ đó các em xây dựng được ước mơ cho mình…
Thầy Khoa cũng hiểu rằng nếu chỉ đơn thuần vận động các em học sinh ra lớp mà không giữ chân được các em thì công đi bản vận động đều đổ sông đổ bể. Thầy đã vận động cán bộ, viên chức, người lao động nhà trường dành những điều tốt nhất cho các em.
Thầy Khoa giải thích: “Phải làm cho các em vui, thích, thấy ý nghĩa thì các em mới ham học, thích đến trường. Ở đây, các cô giáo dạy các em nữ cách sống, cách sinh hoạt, những biến đổi tâm, sinh lý, các thầy giáo dạy các em chơi thể thao, làm vườn, cô giáo chủ nhiệm dạy các em lau nhà, gập chăn… buổi tối các em có thể đến phòng các thầy cô hỏi bài, học bài.
Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng các hạt nhân để các em học sinh tự vận động nhau trong học tập và nhất là nắm bắt tâm tư bạn cùng trang lứa, khuyên bảo bạn không bỏ học lấy vợ, lấy chồng”.
Năm 2017 này, số cặp vợ chồng ở Nậm Manh tảo hôn đã giảm rõ rệt. Khi được hỏi các em học sinh nam đều cho biết đã xem clip do thầy Khoa làm và hiểu rằng kết hôn sớm là rất có hại, do đó các em tự nhận thức, tự bảo nhau và đặc biệt là lên án những trường hợp có tư tưởng tảo hôn. Cha mẹ học sinh cũng nhờ các hình thức tuyên truyền của thầy Khoa mà quyết liệt ngăn cản các em lập gia đình khi chưa đủ tuổi.