“Giảm sốc” khi áp dụng chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Các khối lớp thực hiện chương trình hiện hành đang đẩy mạnh dạy - học theo định hướng phát triển năng lực để đón đầu Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Đây là nội dung được Bộ GD&ĐT

Trong giờ học tại Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (Phú Thọ). Ảnh: Thế Đại
Trong giờ học tại Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (Phú Thọ). Ảnh: Thế Đại

Đây là nội dung được Bộ GD&ĐT hướng dẫn từ năm 2017 - trước khi chương trình mới được ban hành - và tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của GDPT năm học này.

Tiếp cận sớm để giảm sốc

Triển khai cuốn chiếu, Chương trình GDPT mới được thực hiện ở lớp 1 và tiếp tục đến lớp 2, lớp 6 vào năm học sau. Như vậy sẽ có một thời gian khá dài chúng ta thực hiện song song 2 chương trình: Chương trình hiện hành và Chương trình 2018. Nhiệm vụ, giải pháp “giảm sốc” khi áp dụng chương trình mới đã được Bộ GD&ĐT lưu ý từ sớm. Theo đó, năm 2017, với Công văn số 4612, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các nhà trường thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS. 4 nội dung được công văn này nhấn mạnh là xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục.

Năm học 2020 - 2021, nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS để tiếp cận với chương trình mới cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của GDPT. Ông  Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Cần tiếp tục thực hiện chương trình GDPT hiện hành trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp thông qua việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù đối với cơ sở giáo dục chuyên biệt; bảo đảm yêu cầu thực hiện một chương trình giáo dục thống nhất cả nước và được tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục.

“Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục của từng môn học, hoạt động giáo dục theo hướng sắp xếp lại bài học trong sách giáo khoa theo chủ đề tương ứng trong chương trình. Xây dựng chủ đề liên môn với những kiến thức giao thoa giữa các môn học. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc thiết kế tiến trình dạy học thành các nhiệm vụ học tập của HS theo phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để thực hiện ở trong và ngoài lớp học; trong đó có các nhiệm vụ học tập có thể giao cho HS thực hiện ở nhà hoặc qua mạng, chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 và các tình huống bất thường khác” - ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý.

Đánh giá theo phẩm chất, năng lực học sinh là yêu cầu cốt lõi trong đổi mới GDPT. Ảnh minh họa: Đại Quang
Đánh giá theo phẩm chất, năng lực học sinh là yêu cầu cốt lõi trong đổi mới GDPT. Ảnh minh họa: Đại Quang

Dạy và đánh giá theo năng lực, phẩm chất HS

Chỉ đạo nội dung này tại địa phương, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết: Sở GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường (cốt lõi là kế hoạch giáo dục các môn học/hoạt động giáo dục) phù hợp điều kiện thực tế. Đồng thời, tăng cường đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS. Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức dạy học theo hướng giao quyền chủ động cho giáo viên, nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục; tạo điều kiện để giáo viên giảm các áp lực không cần thiết, phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong dạy học. Hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học nhằm phát triển năng lực dạy học cho giáo viên cũng được sở GD&ĐT chú trọng chỉ đạo.

Chia sẻ từ Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển, sở GD&ĐT đã chỉ đạo 100% cơ sở GDPT trong năm học 2020 – 2021 phải triển khai hiệu quả xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học; hoạt động giáo dục, kế hoạch bài học (giáo án) theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, tiếp cận Chương trình GDPT 2018. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của HS.

“Chúng tôi đặc biệt lưu ý việc tăng cường giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục trung học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Kế hoạch giáo dục của mỗi trường được xây dựng từ tổ chuyên môn, báo cáo phòng GD&ĐT (với trường THCS) và sở GD&ĐT (đối với trường THPT), tạo điều kiện cho trường học  linh hoạt áp dụng hình thức tổ chức giáo dục, phương pháp dạy học tiên tiến mà không bị áp đặt từ cấp trên. Các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra của cấp trên phải dựa trên kế hoạch giáo dục của nhà trường” – ông Nguyễn Viết Hiển cho hay.

Tại Vĩnh Long, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin: Sở GD&ĐT đã lưu ý các trường về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục trung học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS. Trong đó tập trung rà soát nội dung sách giáo khoa, tinh giản những nội dung vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kĩ năng của chương trình GDPT hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu. Hiệu trưởng chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch môn học, trong đó chú trọng nội dung dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp, dạy học trải nghiệm; sắp xếp lại nội dung dạy học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực…

Các cơ sở giáo dục trung học thực hiện kế hoạch giáo dục theo khung thời gian 35 tuần thực học (học kỳ I: 18 tuần, học kỳ II: 17 tuần). Bên cạnh phân phối chương trình tham khảo do sở GD&ĐT ban hành, căn cứ vào thực tiễn công tác, các cơ sở giáo dục có thể linh hoạt xây dựng phân phối chương trình riêng, nhưng phải được phê duyệt của phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT. - Ông Trịnh Văn Ngoãn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.