Nâng cao tính khả thi của Chương trình giáo dục mới

GD&TĐ - Góp ý cho bản Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (sẽ gọi là Chương trình), ông Trần Tuấn Nam – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang - bày tỏ đồng thuận và nhất trí với các nội dung đưa ra trong Dự thảo Chương trình. 

Nâng cao tính khả thi của Chương trình giáo dục mới

Chương trình đã bám sát quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết số 29 của BCHT.Ư Đảng (khoá XI), thể hiện rõ trong mục tiêu giáo dục, bố trí và sắp xếp các môn học, kế hoạch, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của các cấp học.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên

Với cấp học tiểu học, ông Trần Tuấn Nam khẳng định ưu điểm của Chương trình giáo dục quy định rõ yêu cầu cần đạt của học sinh về các phẩm chất: Yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm; Các năng lực là: Tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo nhằm giúp học sinh trở thành người phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của Chương trình, các trường được tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, bảo đảm mục tiêu và chất lượng giáo dục. Chương trình đã định hướng rõ các nhà trường được chủ động lựa chọn không gian tổ chức hoạt động giáo dục ở trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu như học lý thuyết, thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, phục vụ cộng đồng.

Theo ông Trần Tuấn Nam, Chương trình quy định các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hoá, môn học tự chọn đã đáp ứng được đa dạng nhu cầu học tập của học sinh và phát huy hết tiềm năng của mỗi cá nhân. Đồng thời với đó, Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện Chương trình.

Đối với cấp trung học, ông Trần Tuấn Nam cho rằng, Dự thảo Chương trình có nhiều điểm mới có tính đột phá so với chương trình phổ thông hiện hành. Chương trình mới sẽ giúp cho người học chủ động và linh hoạt hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Định hướng kết quả đầu ra, Chương trình mới đã đưa ra 8 phẩm chất chủ yếu và 8 năng lực cốt lõi cần hình thành và phát triển cho người học, đáp ứng được nhu cầu cá nhân người học và phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay. Về phương pháp, Chương trình mới định hướng rõ về phương pháp giáo dục, lấy hoạt động học của người học làm trung tâm, thông qua các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực.

Điều chỉnh một số nội dung cho sát với thực tế dạy và học

Qua đây, ông Trần Tuấn Nam cũng mong muốn, Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cần nghiên cứu, xem xét kỹ một số nội dung để nâng cao tính khả thi của Chương trình mới. Ở cấp tiểu học, Chương trình quy định mỗi tiết học cho lớp 1 và lớp 2 từ 30 phút đến 35 phút; cho lớp 3, lớp 4 và lớp 5 từ 35 phút đến 40 phút sẽ khó triển khai thực hiện trên thực tế ở các nhà trường, Bộ GD&ĐT nên thống nhất mỗi tiết học ở tiểu học là từ 30 đến 40 phút. Tên môn học “Cuộc sống quanh ta” ở lớp 1, 2, 3 nên đổi tên thành môn “Tìm hiểu tự nhiên và xã hội” để liên thông với môn học “Tìm hiểu tự nhiên” và môn học “Tìm hiểu xã hội” của lớp 4, 5.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là nội dung hết sức quan trọng trong việc hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh. Nhưng khi triển khai hoạt động này với tư cách là một môn học bắt buộc thì các nhà trường sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức như: Nội dung, hình thức tổ chức liên quan đến nhiều môn học; học sinh cần phải có nhiều kỹ năng khi tham gia hoạt động; giáo viên chưa được đào tạo; phải sắp xếp thời gian học phù hợp; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn; kinh phí tổ chức còn hạn hẹp; sự ủng hộ, phối hợp của phụ huynh và cộng đồng còn hạn chế.

Ở bậc học phổ thông, theo ông Trần Tuấn Nam, cần nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung như: Lớp 10 là lớp đầu cấp, học sinh mới làm quen theo cách học và dạy mới của cấp THPT nên sẽ gặp khó khăn khi học nhiều bộ môn cùng lúc có thể dẫn đến quá tải và thời lượng mỗi môn không nhiều nên việc phân hóa đối tượng, khả năng định hướng nghề nghiệp đối với học sinh hiệu quả không cao; Lớp 11, 12 là các lớp phân hóa sâu của giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, đồng thời với sự tự chọn môn học của học sinh có thể dẫn đến dư thừa cục bộ giáo viên, các nhà trường không chủ động và khó có đủ điều kiện đáp ứng với sự tự chọn của học sinh.

Ông Trần Tuấn Nam cho rằng: Số tiết trên tuần của các lớp 6 đến 10 trung bình từ 29 - 30 tiết nên khó khăn trong việc bố trí một số hoạt động khác ngoài các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đặc biệt với các nhà trường còn học 2 ca/ngày. Một số môn học mới cần có sự chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, vì vậy việc thực hiện từ năm học 2018 - 2019 gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Tuấn Nam, để có thể triển khai Chương trình mới từ năm học 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của toàn xã hội, nhất là ý kiến của các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín; bổ sung, điều chỉnh nội dung phù hợp, hoàn thiện để sớm ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chính thức để các cơ sở giáo dục có căn cứ chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình mới một cách tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.