Làm sao để công tác giám sát khách quan, hiệu quả và đơn vị được giám sát “tâm phục, khẩu phục” trước những góp ý của các thành viên trong đoàn? Dưới đây là những trao đổi có tính chất gợi mở của đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề trên.
Ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV: Cần giám sát trên tinh thần xây dựng
“Các địa phương cần quan tâm, bố trí nguồn lực tài chính, tạo điều kiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đảm bảo lộ trình nâng chuẩn giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019” - ông Lê Tuấn Tứ nhấn mạnh.
Tôi từng tham gia đoàn giám sát chuyên đề liên quan đến trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thực hiện. Thành viên đoàn giám sát là các ủy viên của Ủy ban. Trước khi thực hiện giám sát, chúng tôi nghiên cứu kỹ tài liệu, các nội dung được giám sát để nắm chắc vấn đề; từ đó mới có góp ý, khuyến nghị đúng và trúng cho đơn vị được giám sát.
Về phía đơn vị được giám sát, đoàn cũng yêu cầu chuẩn bị kỹ nội dung, báo cáo, tài liệu liên quan để thành viên trong đoàn nghiên cứu và có cơ sở tham vấn. Chỗ nào chưa rõ, chúng tôi thẳng thắn trao đổi, hỏi lại đơn vị liên quan, không có chuyện áp đặt, hay miễn cưỡng. Khi giám sát, chúng tôi góp ý thẳng thắn, “mổ xẻ” các vấn đề để tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với “bới lông tìm vết, vạch lá bắt sâu”. Tất cả đều trên tinh thần xây dựng, các ý kiến phân tích khoa học và thấu tình đạt lý.
Tại các địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội đang thực hiện giám sát chuyên đề triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tôi mong rằng, đoàn giám sát sẽ phát huy hiệu lực, hiệu quả, “chí công, vô tư”, để có những góp ý sắc nét.
Tôi tâm đắc với ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp thứ nhất - Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần giám sát trên tinh thần xây dựng. Giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để. Phải phát huy được những mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng, đó mới là giám sát.
Tôi đồng tình với khuyến nghị của các đoàn giám sát, một trong những bài toán cần sớm được giải quyết là, địa phương cần có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đồng thời, tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cùng với đó, thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Mặt khác, tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, cần tập trung cho cơ sở giáo dục phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn. Ảnh: Thế Đại |
Bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khoá XIV: Giám sát đúng và trúng
Qua hoạt động giám sát lần này, tôi mong các đoàn giám sát sẽ đánh giá toàn diện, đồng bộ công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở các địa phương nói chung và ngành Giáo dục nói riêng.
Đồng thời, làm rõ kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập mà các địa phương cũng như ngành Giáo dục đang gặp phải. Từ đó, đề xuất giải pháp, kiến nghị hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tiếp theo.
Bất cứ công cuộc đổi mới nào cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đổi mới giáo dục càng khó khăn gấp bội. Thực tiễn cho thấy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc dạy – học phải chuyển sang hình thức trực tuyến, thầy – trò gặp nhiều khó khăn.
Để hoạt động giám sát trong thời gian tới đạt hiệu quả, ngoài việc đơn vị được giám sát chuẩn bị chu đáo văn bản, tài liệu, tôi cho rằng, mỗi thành viên trong đoàn giám sát cần nghiên cứu thật kỹ lĩnh vực, nội dung được giám sát. Nếu được, các thành viên trong đoàn là những người làm trong ngành/lĩnh vực hoặc am hiểu sâu sắc về vấn đề được giám sát thì càng tốt. Có như vậy, công tác giám sát sẽ càng hiệu quả và có “trọng lượng”, đáp ứng được mong mỏi của cử tri và sự kỳ vọng của xã hội. Đặc biệt, đơn vị được giám sát sẽ “tâm phục, khẩu phục” trước những gì mà thành viên trong đoàn góp ý, cho ý kiến. - Bà Tăng Thị Ngọc Mai nói.
Đáng nói, đa số địa phương đều đối diện rào cản về đội ngũ, thiếu nguồn giáo viên để tuyển dụng, dẫn đến không đủ tỷ lệ giáo viên/lớp. Điều này ảnh hưởng đến việc dạy học, nhất là với môn học Tiếng Anh, Tin học, dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Mặt khác, kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên việc mua sắm thiết bị dạy học theo hướng tích cực, hiện đại như tivi, bảng tương tác, phòng thí nghiệm, hệ thống mạng… còn nhiều hạn chế. Cũng vì kinh phí hạn hẹp nên các trường gặp nhiều khó khăn khi triển khai hoạt động trải nghiệm theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Trực tiếp đón đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Trà Vinh giám sát về tình hình triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh, tôi rất mừng khi đoàn đã nhìn nhận khách quan những vấn đề nêu trên. Đồng thời gợi mở nhiều giải pháp quan trọng; trong đó có cả phương án thuộc về “nội lực” và “ngoại lực” để triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tôi mong, các thành viên trong đoàn giám sát ghi nhận khách quan về thực trạng triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, đoàn làm việc với các cơ quan liên quan và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp sắp tới, để cả xã hội cùng chung tay với ngành Giáo dục, sớm khắc phục khó khăn, hạn chế trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Phiên họp giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, sáng 20/2. Ảnh: Thế Đại |
Bà Hồ Thị Minh - Đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn Quảng Trị): Ghi nhận thực trạng, đề xuất giải pháp
Theo tôi, mục đích của việc giám sát là làm rõ kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập khi thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, đề xuất giải pháp, kiến nghị hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về vấn đề nêu trên.
Như chúng ta đã biết, mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất lớn, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện từ nội dung đến phương pháp dạy học và đòi hỏi đầu tư lớn về nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, vật lực. Tuy nhiên, qua khảo sát và giám sát cho thấy, điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới ở các địa phương hầu như chưa được đáp ứng.
Nguồn lực dành cho đổi mới còn hạn chế. Chẳng hạn như: Nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học bộ môn và thiết bị dạy học tối thiểu. Đặc biệt, tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới, môn tích hợp xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có tỉnh Quảng trị.
Từ thực tế trên, theo tôi, địa phương cần xác định đâu là khâu quan trọng, thiết yếu để có giải pháp phù hợp, hiệu quả; tránh dàn trải. Đặc biệt, ngoài việc bố trí đủ số lượng, cần chú ý đến chất lượng đội ngũ nhà giáo. Theo đó, cần đội ngũ thầy cô hội tụ đầy đủ năng lực, phẩm chất và chủ động đón nhận những đổi mới của giáo dục. Tôi cũng mong rằng, cán bộ quản lý, các ngành chức năng phải đứng dưới góc độ giáo viên để thấy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn một số bất cập, chưa được như mong đợi.
Đặc biệt, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các báo cáo, tài liệu liên quan theo yêu cầu của đoàn giám sát. Cần có minh chứng cụ thể, tường minh thông qua “người thật, việc thật” để đoàn giám sát hiểu đầy đủ, toàn diện về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Từ đó, nhìn nhận khách quan, thực chất về những kết quả mà địa phương triển khai cũng như khó khăn đang đối mặt. Trên cơ sở đó, đoàn giám sát sẽ có những gợi mở, góp ý, thậm chí hiến kế cho địa phương để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trên các phương diện.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 63 đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giai đoạn 2014 - 2022.
Quá trình giám sát sẽ làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.
Kết quả giám sát sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề và gửi báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.