Nội dung này được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ báo cáo sáng 20/2, trong phiên họp giữa Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội với Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Trưởng Đoàn giám sát là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Phó trưởng đoàn là ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo một số bộ ngành liên quan.
Lưu ý trong chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Bộ GD&ĐT lưu ý 6 vấn đề trong chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ nhất: Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tác động rất lớn đối với cả thế hệ học sinh và sự phát triển của đất nước, đòi hỏi có thời gian mới thấy hết được hiệu quả. Vì vậy, quá trình triển khai thực hiện phải đặc biệt coi trọng nhận thức đúng và đầy đủ về nội dung, phương pháp dạy học và các yêu cầu về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của chương trình mới. Từ đó, tạo niềm tin đối với chất lượng giáo dục khi thực hiện chương trình mới và có quyết tâm cao đối với việc triển khai thực hiện trong toàn xã hội, nhất là đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.
Thứ hai: Trong quá trình triển khai thực hiện phải bám sát tình hình thực tế, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, chú trọng công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn điều hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương, cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm, mục tiêu đổi mới đã được thể hiện trong chương trình.
Thứ ba: Đổi mới giáo dục là tác động đến con người, đòi hỏi có thời gian cho sự phát triển về phẩm chất, năng lực, cần có thời gian đủ dài mới đánh giá được đầy đủ kết quả, hiệu quả giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. |
10 điểm mới quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 liên quan đến: Quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDPT; nội dung và thời lượng giáo dục; phương pháp dạy học; vai trò sách giáo khoa; vai trò của giáo viên; yêu cầu với học sinh; yêu cầu đối với cha mẹ học sinh; vai trò chủ động của cơ sở giáo dục; điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; trách nhiệm của địa phương.
Xem chi tiết các điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 TẠI ĐÂY.
Vì vậy, việc triển khai chương trình mới cần đặc biệt chú trọng về phương pháp, cách thức thực hiện đúng định hướng đổi mới; bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ nội dung giáo dục, thực hiện đúng yêu cầu đổi mới về phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu cần đạt đổi với từng nội dung giáo dục theo chương trình; bảo đảm việc dạy học và kiểm tra, đánh giá đối với mỗi nội dung giáo dục đều được thực hiện đúng theo yêu cầu vì sự tiến bộ của học sinh, tạo cơ hội cho học sinh phát triển phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình.
Thứ tư: Điều kiện kinh tế - xã hội của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rất đa dạng; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở mỗi vùng, miền, địa phương rất khác nhau. Vì vậy, việc triển khai thực hiện chương trình cần phải bảo đảm sự phù hợp với địa phương, cơ sở giáo dục. Luật Giáo dục 2019 (Điều 31) quy định, Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm yêu cầu thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục phổ thông.
Thứ năm: Mục tiêu và yêu cầu về các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những điểm cần phải đạt được ngay khi bắt đầu triển khai nhưng cũng có những điểm đặt ra để phấn đấu từng bước đáp ứng theo quan điểm phát triển chương trình. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện cần phải được thực hiện đúng hướng, từng bước, làm đến đâu chắc đến đó để bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục.
Thứ sáu: Trong quá trình triển khai thực hiện, thực hiện theo quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông theo hướng mở, coi trọng việc rà soát, điều chỉnh về phương pháp, cách thức thực hiện chương trình; đồng thời tiếp tục phát triển chương trình để bảo đảm phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu của thực tế.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại cuộc họp. |
Quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Chương trình giáo dục phổ thông là văn bản thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lí chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông.
Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông đã có của Việt Nam. Đồng thời, tiếp thu thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Chương trình gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, những tiến bộ của thời đại về khoa học - công nghệ và xã hội. Đồng thời, phù hợp với đặc điểm con người, văn hoá Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại cũng như các sáng kiến và định hướng phát triển chung của UNESCO về giáo dục. Cùng với đó, tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh; đặt nền tảng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh.
Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống. Chương trình tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên. Thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được mục tiêu đó.
Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.
Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở, cụ thể:
Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.
Chương trình bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu của thực tế.
Nhằm thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, việc đổi mới giáo dục phổ thông phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất: Đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hoà giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp
Thứ 2: Nội dung chương trình phải đảm bảo chuẩn hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế; đảm bảo tính hoàn chỉnh, linh hoạt, liên thông thống nhất trong và giữa các cấp học; tích hợp và phân hoá hợp lý, có hiệu quả
Thứ 3: Đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh
Thứ 4: Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh
Thứ 5: Quản lí quá trình xây dựng và thực hiện chương trình đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp địa phương và đối tượng học sinh
Thứ 6: Thực hiện chủ trương một chương trình, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.