TS Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – cho biết như vậy trong buổi gặp mặt báo chí thông tin về công tác thi, tuyển sinh sáng nay (27/4).
Đa số các trường đã xây dựng chính sách chất lượng
Báo cáo của Bộ GD&ĐT, thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội cho các nhà trường theo tinh thần của Luật GDĐH 2012 và Nghị quyết 29 của Chính phủ, Bộ GD7ĐT đã từng bước hoàn thiện chính sách đảm bảo triển khai tự chủ đại học hiệu quả trong thực tế.
Tại Quy chế tuyển sinh năm 2017, Bộ đã dự báo một số định hướng trong tuyển sinh của các nhà trường từ năm 2018, trong đó có việc giữ ổn định chính sách trong tuyển sinh ĐH, CĐ và việc các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công khai đầy đủ và trung thực các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định.
Bắt đầu từ mùa tuyển sinh năm 2018, Bộ GD&ĐT đã trao quyền tự chủ cho các trường được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Xét về nguyên tắc, tự chủ xác định điểm sàn là hướng đi tất yếu để các trường thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về những quyết định trong tuyển sinh của mình.
Bộ cũng yêu cầu các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ, trong đó có quy định công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, tỉ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong hai năm gần nhất, tỉ suất đầu tư để đảm bảo số sinh viên trong một năm học.
Trên cơ sở đó, thí sinh đã có cơ sở để lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với điều kiện và năng lực của mình. Các kênh thông tin truyền thông của đài, báo cũng là nguồn hỗ trợ hiệu quả giúp thí sinh định hướng việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, nhìn chung, đa số các trường đã xây dựng chính sách chất lượng của mình, trong đó, có chất lượng đầu vào, chú trọng chất lượng trong quá trình đào tạo và đặc biệt là đảm bảo chất lượng đầu ra.
Hầu hết các trường đều dự kiến thời điểm thích hợp để công bố điểm sàn là sau khi có kết quả, phổ điểm thi THPT quốc gia, trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng trao đổi tại buổi gặp mặt báo chí về thi, tuyển sinh ngày 27/4 |
Giám sát chặt các trường tuyển sinh "vơ bèo vạt tép”
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng có trường nhận biết được khó khăn, yếu kém của mình nên chủ trương sẽ lấy điểm đầu vào thấp, “vơ bèo vạt tép”, bất chấp năng lực, nền tảng của thí sinh để có thí sinh vào học.
Để không xảy ra tình trạng này, chuẩn bị bước vào mùa thi tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường cần cân nhắc khi thông báo điểm sàn, tham khảo mức điểm hai năm tuyển sinh trước liền kề để đảm bảo chủ trương tự chủ phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn ngành.
Thực tế, có một vài trường đã dự kiến thông báo xét tuyển với ngưỡng đầu vào thấp. Mặc dù chưa phải là quyết định cuối cùng của nhà trường do chưa có kết quả thi nhưng hiện tượng đó cũng gây tâm lý lo ngại về chất lượng đào tạo.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Bộ GD&ĐT đã kịp thời trao đổi, khuyến cáo các cơ sở này điều chỉnh lại nội dung này trong đề án tuyển sinh.
Với sự lên tiếng của dư luận, các trường cũng sớm nhận thấy việc hạ thấp điểm sàn đồng nghĩa với việc sẽ hạ thấp uy tín, dẫn tới xã hội và thí sinh nghi ngờ về chất lượng đào tạo.
”Bộ GD&ĐT sẽ theo sát diễn biến việc này, giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh của nhóm trường này, chấn chỉnh kịp thời và tiến hành thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với trường xác định điểm sàn thấp” – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định.