Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Viết Thịnh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, về vấn đề này.
GS.TS Nguyễn Viết Thịnh |
Có chính sách đầu tư mới cho các trường sư phạm
Thưa GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2018 có nhiều điểm thay đổi so với Quy chế hiện hành. Đáng lưu ý có rất nhiều điểm mới trong xét tuyển thí sinh (TS) vào các trường sư phạm, đây có phải là bước đổi mới để nâng cao chất lượng sư phạm?
GS.TS Nguyễn Viết Thịnh: Theo tôi, điểm mới này trong Quy chế không tạo ra bước đổi mới để nâng cao chất lượng sư phạm, mà chỉ gây khó khăn cho công tác tuyển sinh đối với khối ngành hiện đang lâm vào tình trạng khó khăn này.
Có 3 lý do đặt ra: Thứ nhất, phải chăng giá trị làm “bộ lọc” của kết quả tuyển sinh chung không cao, nên phải dựa vào một tiêu chí khác? Thứ hai, nếu như việc tuyển sinh sư phạm đang thuận lợi, thì các trường sẽ sử dụng điểm chuẩn đầu vào cao hơn so với điểm sàn, và sẽ có những sinh viên có chất lượng đầu vào tốt. Thứ ba, nếu ít người đăng ký, thì cũng khó chọn được ứng viên tốt, nhất là thí sinh không chỉ có một nguyện vọng.Các trường có thể căn cứ vào nhu cầu của mình để tuyển sinh, căn cứ vào nhu cầu xã hội để mở ngành và điều này chỉ nên tập trung vào những trường sư phạm có uy tín.
Thưa GS, để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên cần phải có kế hoạch để đầu tư cho các trường sư phạm như thế nào trước yêu cầu đổi mới giáo dục?
-Tôi cho rằng ngay từ bây giờ chúng ta không phải chỉ cần có kế hoạch mà trước hết cần phải có chính sách đầu tư mới cho các trường sư phạm.
Tuy nhiên, đầu tư chi thường xuyên không nên chỉ dựa theo đầu sinh viên, bởi vì có những hạng mục chi không phụ thuộc đầu sinh viên; Đầu tư không nên “cào bằng”, mà cần tăng cường cho các trường thực sự là trường sư phạm, theo cách đánh giá của xã hội, của giới chuyên môn, của cơ quan quản lý.
Thông qua việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học, xếp hạng các trường sư phạm mà điều chỉnh, giao thêm nhiệm vụ cho các nhà trường để đào tạo giáo sinh và đào tạo lại giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Trên cơ sở nhiệm vụ giao thêm mà có chính sách đầu tư.
Theo thầy, quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm có phải là yêu cầu cần thiết?
- Đúng là yêu cầu cấp thiết. Việc này thực ra đã được nêu ra để bàn cách đây đến 10 năm, nhưng chưa có chỉ đạo quyết liệt. Khi đó, có hai xu hướng: Một là, các trường sư phạm chuyển thành trường đa ngành (như ta đã biết, nhiều trường vốn có tên là trường sư phạm, nhưng do chuyển thành đa ngành, đã “tháo biển” sư phạm); Hai là, nhiều trường cũng mở rộng đào tạo sang lĩnh vực đào tạo giáo viên. Mà bây giờ, hệ lụy đã trở nên nghiêm trọng, cả về việc đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, cả về việc cân đối cung cầu về đào tạo giáo viên.
Theo tôi, chúng ta nên quy hoạch các trường đầu đàn (các trường sư phạm trọng điểm), các trường vùng. Trong điều kiện nhu cầu giáo viên đã về cơ bản là đáp ứng, nên từng bước nâng trình độ giáo viên ở trình độ đại học, ở tất cả các cấp học. Đội ngũ giáo viên cho tương lai cũng cần phải nâng chuẩn, trước hết từ giáo viên mầm non, tiểu học.
Cần có sự hỗ trợ thiết thực cho SV
Nhiều người băn khoăn, thay đổi quy chế thi sẽ không có người vào sư phạm, vậy dự thảo có đủ sức hấp dẫn người tài hay không?
- Qua theo dõi, tôi chưa thấy các ý kiến nào cho rằng dự thảo có đủ sức hấp dẫn người tài. Bản thân tôi cũng không thấy như vậy. Một điều căn bản là phải đảm bảo hầu hết sinh viên sư phạm tốt nghiệp đều có vị trí việc làm. Bây giờ, nhiều sinh viên tốt nghiệp giỏi, chứ không nói tốt nghiệp khá, vẫn chưa tìm được việc làm trong 12 tháng đầu sau tốt nghiệp. Nếu đảm bảo có việc làm, có thể với điều kiện tốt nghiệp khá trở lên, thì sẽ thu hút được người tài.
Theo thầy, sắp tới sinh viên sư phạm không được miễn học phí mà mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm, quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?
- Tôi chưa tìm hiểu rõ chính sách vay tín dụng sư phạm có những ưu đãi gì. Nhưng theo tôi, việc thanh niên được tiếp cận tín dụng giáo dục ở các nước không giới hạn ở ngành nghề nào. Ta nên có chính sách vay tín dụng giáo dục đại học/cao đẳng/dạy nghề, không nên giới hạn chỉ có tín dụng sư phạm.
Hơn nữa, thực tế không phải tất cả sinh viên sư phạm ra đều làm giáo viên. Một tỷ lệ không nhỏ ra làm trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân. Nếu các em ấy có hưởng chính sách vay tín dụng sư phạm, có thể bị quy kết là không tuân thủ cam kết với nhà nước. Còn trong trường hợp sinh viên ra trường không tìm được vị trí việc làm trong ngành Giáo dục, thì đây có thể là gánh nặng trả nợ đối với đối tượng vay.
Tóm lại, tôi ủng hộ cho sinh viên sư phạm vay tín dụng giáo dục, do phần khá đông các em xuất thân từ gia đình nghèo hoặc trung lưu thôi. Ít em từ gia đình khá giả. Nhưng cần có chính sách cụ thể để đảm bảo cả lợi ích của nhà nước, động lực học tập và tìm kiếm việc làm ở người vay tín dụng.
- Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này!