Giảm nghèo từ mô hình nuôi cá trên non cao

GD&TĐ - Phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, chàng thanh niên người Dao Đặng Hành Dũng đã chinh phục ước mơ làm giàu trên đỉnh núi Pù Lầu.

Giảm nghèo từ mô hình nuôi cá trên non cao.
Giảm nghèo từ mô hình nuôi cá trên non cao.

Mạnh dạn thay đổi

Anh Đặng Hành Dũng (SN 1996, dân tộc Dao) là người tiên phong đưa cá tầm, cá hồi Sa Pa về núi rừng Yến Dương, huyện Ba Bể. Anh cũng là 1 trong 43 thanh niên tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2023.

Anh Dũng chia sẻ: "Trước kia gia đình tôi chủ yếu làm nông nên chỉ kiếm đủ ăn. Năm nào mưa thuận gió hòa thì được mùa, không thì mọi công sức đều đổ xuống sông xuống biển hết."

Nhờ có sự giúp đỡ của địa phương tạo điều kiện tham quan học hỏi các mô hình trong và ngoài tỉnh, anh đã quyết tâm là người tiên phong đưa cá tầm, cá hồi Sa Pa về núi rừng Yến Dương, huyện Ba Bể.

Thời gian đầu mới chuyển sang nghề nuôi cá, vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc nên số lượng cá trong lồng của anh còi cọc rất nhiều, có thời điểm còn bị chết hàng loạt.

Không khuất phục trước khó khăn, thách thức, anh Dũng tiếp tục mua con giống về nuôi. Để có kinh nghiệm chăm sóc cá, anh lên mạng Internet tìm đọc các bài báo viết về kỹ thuật nuôi cá tầm, cá hồi và vận dụng những kinh nghiệm học được từ các mô hình được tham quan, áp dụng vào lồng cá của mình. Nhờ vậy mà đàn cá của anh ngày càng phát triển khỏe mạnh, cho ra năng suất cao.

Đến nay hàng nghìn con cá tầm, cá hồi của anh Dũng đang sinh trưởng mạnh, hiện nay cá tầm có trọng lượng khoảng 1,8kg/con; cá hồi có trọng lượng từ 1,7kg đến 1,8kg/con, giá bán ra thị trường từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg cá tầm; 400 đến 450.000 đồng/kg cá hồi.

Hiện tại, gia đình anh có hơn 30 bể cá trung bình mỗi năm xuất ra thị trường 20 đến 30 tấn cá. Nhiều khách hàng từ xa khi biết đến mô hình của anh Dũng đã điện đặt hàng, một số thì vượt đường xa đến tận nơi vừa được tham quan, trải nghiệm vừa được chọn lựa mua cá ngay tại bể.

Khu du lịch sinh thái của gia đình anh Đặng Hành Dũng mỗi năm đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm.

Khu du lịch sinh thái của gia đình anh Đặng Hành Dũng mỗi năm đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm.

Để tìm đầu ra bền vững cho cá tầm, anh Dũng đã mạnh dạn kết hợp nuôi cá tầm với phát triển du lịch sinh thái trên Đỉnh Pù Lầu. Hiện, anh là chủ một khu du lịch sinh thái ở đỉnh Pù Lầu đón trung bình trên 5000 lượt khách mỗi năm. Đây cũng là nơi để du khách trải nghiệm đồng thời giới thiệu, tiêu thụ cá tầm, cá hồi.

“Tôi luôn ấp ủ làm du lịch dựa trên thế mạnh cảnh đẹp, sự hoang sơ của đỉnh Pù Lầu. Vì thế, ngoài việc dựa vào lợi thế khí hậu mát mẻ quanh năm để nuôi cá hồi, cá tầm, chúng tôi cũng dựng các chòi tre cho khách ngắm cảnh, nghỉ ngơi”, anh Dũng nói.

Góp phần giảm nghèo bền vững

Phiêng Phàng nằm dưới chân núi Phja Bjoóc, xã Yến Dương, huyện Ba Bể bắt đầu từ tỉnh lộ 258, để tới được thôn phải vượt qua con đường gần 6km. Toàn thôn hiện có 41 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Đỉnh Pù Lầu thuộc thôn là nơi rất mát mẻ, yên tĩnh, nguồn nước đầu nguồn sạch, quanh năm lạnh ngắt, sườn núi có độ dốc cao, nước chảy mạnh.

Con đường dẫn tới thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, Bắc Kạn.

Con đường dẫn tới thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, Bắc Kạn.

Với nhiều lợi thế và tiềm năng, nhiều hộ dân tại xã qua sự giúp đỡ của anh Dũng đã gặt hái được nhiều thành công trong việc nuôi cá tầm, cá hồi phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày càng dư giả và sung túc.

Anh Triệu Tiến Vượng (SN 1999, dân tộc Dao) là thành viên nằm trong HTX Cá hồi Cá tầm Pù Lầu chia sẻ: Gia đình là hộ nghèo lâu năm của xóm, khi được anh Dũng và đoàn thanh niên giúp đỡ, anh đã mạnh dạn đầu tư và đến nay, cá của hộ gia đình anh đã được xuất bán, có nhiều tiểu thương vào mua tận nơi, gia đình không những thoát nghèo mà thu nhập ngày càng ổn định, khấm khá hơn.

Ông Hoàng Văn Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Yến Dương cho biết: Anh Dũng không những là người tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế địa phương, mà còn giúp nhiều hộ dân khác thoát nghèo nhờ mô hình nuôi cá tầm, cá hồi. Những hộ dân nằm trong HTX Cá hồi Cá tầm Pù Lầu và các hộ dân lân cận cũng đến nhà anh Dũng học hỏi kinh nghiệm để nuôi cá. Sắp tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng và nhận được sự hỗ trợ của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ