Bắc Kạn thực hiện nhiều cách làm hay để giảm nghèo bền vững

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời gian qua tỉnh Bắc Kạn thực hiện nhiều cách làm hay để giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, đời sống người dân được nâng cao, tỷ lệ nghèo giảm nhanh.

Tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên.
Tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên.

Thúc đẩy giảm nghèo bền vững nhờ chuyển đổi số

Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí nghèo đa chiều. Là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, chia cắt, với trên 88% đồng bào dân tộc thiểu số, có 2/8 huyện nghèo, 67/108 xã đặc biệt khó khăn, để giảm nghèo về thông tin, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Nhờ đó, mạng lưới bưu chính được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Toàn tỉnh hiện có 73 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng đã cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, địa phương và nhu cầu trao đổi thông tin liên lạc, sử dụng dịch vụ bưu chính của nhân dân trên địa bàn, như: Chấp nhận, vận chuyển và phát thư, công văn, báo chí, bưu gửi và thực hiện một số hoạt động phục vụ nhu cầu đọc sách báo miễn phí của nhân dân.

Đồng thời, các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng đã phục vụ miễn phí người dân đọc sách, báo, tạp chí điện tử, cung cấp dịch vụ phục vụ truy nhập Internet băng rộng để người dân khai thác các thông tin thiết yếu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở. Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh chiếm 73%, 96% thôn bản được phủ sóng bằng di động, 76,6% hộ gia đình có cáp quang.

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh giảm từ 27,37% xuống còn 24,71%. Tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản về giảm nghèo về thông tin: Sử dụng dịch vụ viễn thông còn 27,76%, thiếu hụt về phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin còn 7,8%.

Năm 2023, thực hiện Tiểu dự án “Giảm nghèo về thông tin” thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ nguồn ngân sách của trung ương và của địa phương, UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao Sở Thông tin và Truyền thông bổ sung lắp đặt thêm các cụm thu loa truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại các thôn chưa có loa hoặc thay thế các cụm loa FM có dây cũ bị hỏng tại các xã điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh nhằm mở rộng diện tích phủ sóng loa truyền thanh tại các thôn và đáp ứng nhu cầu thông tin tuyên truyền của người dân. Đồng thời hỗ trợ duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ tại các điểm cung cấp thông tin công cộng tại 20 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo thời gian tới, cuối tháng 5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel), theo đó, Tập đoàn Viettel sẽ hỗ trợ tỉnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng vùng băng rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên phủ sóng 3G/4G đối với các vùng “trắng sóng”, vùng “lõm” sóng tại các thôn, bản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, hỗ trợ, phát triển 5G tại các địa bàn trọng yếu,...

Việc hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để thoát nghèo bền vững, đồng thời từng bước tiếp cận, hòa nhịp chuyển đổi số…

Phát huy tinh thần tự lực vươn lên của người dân

Tại đơn vị tiêu biểu trong công tác giảm nghèo của Đoàn Thanh niên huyện Bạch Thông, theo chị Lý Thị Mơ, Bí thư Đoàn thanh niên xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, công tác giảm nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thanh niên Nguyên Phúc đặt lên hàng đầu. Nhận thấy nếu chỉ dựa vào ngô, lúa thì rất khó thoát nghèo, Đoàn xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế mới, cách làm hay phù hợp với thực tế. Trong đó, sau khi rà soát đã thoát nghèo, gia đình chị Triệu Thị Mán được vay 50 triệu để trồng rừng, Đoàn Thanh niên xã đã đến trao tặng 1 vườn cây sinh kế với 1.600 cây mỡ và hỗ trợ trồng cây cho gia đình. Năm vừa qua, Đoàn xã đã giúp đỡ, hỗ trợ cho 5 hộ thoát nghèo.

Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, bên cạnh việc triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên. Bằng việc thực hiện các chiến dịch tuyên truyền cụ thể như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng kế hoạch, kịch bản, chuyên mục phóng sự tuyên truyền chùm Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) phát sóng trên kênh truyền hình địa phương. Thực hiện in sổ tay các Nghị quyết cấp cho Bí thư chi bộ thôn, tổ phố để thông tin đến người dân, trong đó có Nghị quyết số 05-NQ/TU.

Các cơ quan truyền thông của tỉnh thường xuyên dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền Nghị quyết và các hoạt động về giảm nghèo, các chế độ chính sách, giới thiệu kinh nghiệm, cách làm hay, kiến thức khoa học kỹ thuật, mô hình giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng.

Riêng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng 5 chương trình phát thanh, 22 phóng sự tuyên truyền, hỗ trợ phát sóng cho 70 Đài Truyền thanh cơ sở và 08 Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố với tổng số trên 1.000 lượt phát sóng, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn có “Chuyên trang giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Kạn” đăng tải các văn bản liên quan đến công tác giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh và gần 100 tin, bài tuyên truyền về thực hiện công tác giảm nghèo tại các địa phương… Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức được 38 buổi nói chuyện chuyên đề về công tác giảm nghèo, thu hút trên 2.400 lượt người tham gia.

Tại hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện công tác giảm nghèo năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã nhấn mạnh, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người nghèo, sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh..., công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các địa phương trong tỉnh đã triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người nghèo, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo số liệu sơ bộ rà soát, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh Bắc Kạn mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của năm 2022 đã hoàn thành tốt so với kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 27,37% xuống còn 24,82%.

Để đạt được những kết quả trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đã quan tâm, đưa công tác giảm nghèo bền vững trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên được cụ thể hóa thành Nghị quyết của HĐND, kế hoạch của UBND các cấp và từng đơn vị.

Đặc biệt, tích cực tuyên truyền để khơi dậy tính tự lực của người nghèo, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ