Nông dân thu tiền tỉ nhờ nuôi cá lồng trên hồ Cửa Đạt

GD&TĐ - Từ mô hình nuôi cá lồng trên hồ thuỷ điện Cửa Đạt, nhiều hộ dân huyện Thường Xuân (Thanh Hoá) không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ Cửa Đạt cho thu nhập khá. (Ảnh: NT)
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ Cửa Đạt cho thu nhập khá. (Ảnh: NT)

Thoát nghèo nhờ nuôi cá

Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Cửa Đạt đã có từ lâu, tuy nhiên thực sự hiệu quả, giúp người dân sống khoẻ kể từ khi huyện Thường Xuân thông qua đề án “Hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2019-2021”, trong đó chú trọng phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng an toàn sinh học tại vùng lòng hồ kết hợp phát triển du lịch.

Thông qua đề án, huyện Thường Xuân đã có cơ chế hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng cá đóng mới, nhằm khuyến khích các hộ dân tham gia. Nhờ cơ chế hỗ trợ của huyện, thời gian qua, việc nuôi cá của các hộ dân đã bài bản, quy mô hơn.

Anh Nguyễn Văn Sinh (xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt là một trong những hộ đầu tiên tham gia nuôi cá lồng trên hồ Cửa Đạt cho biết, năm 2018, khi biết huyện có đề án nuôi cá lồng, anh đang làm nghề lái xe tải nhưng đã bỏ về quê đầu tư lồng, bè để nuôi cá. Tuy nhiên, kinh nghiệm chưa nhiều nên ngay từ những ngày đầu nuôi cá lồng, anh gặp không ít khó khăn và thất bại.

Anh Nguyễn Văn Sinh là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá lồng trên hồ Cửa Đạt. (Ảnh: NT)
Anh Nguyễn Văn Sinh là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá lồng trên hồ Cửa Đạt. (Ảnh: NT)

“Đợt đầu nuôi hơn 1 vạn cá lăng được thả xuống lồng do không có kinh nghiệm nên cá bị trôi ra hồ, mất trắng hơn 200 triệu đồng”, anh Sinh nhớ lại.

Không nản chí, anh Sinh đã đi khắp nơi để học hỏi, tìm hiểu cách chăm sóc, trị bệnh cho cá lồng. Về nhà, anh đã xây dựng diện tích lồng khoảng 108m3 nuôi được khoảng 3 tấn cá. Lồng được phủ nhiều lớp lưới để tạo không gian rộng cho cá bơi lội thoải mái, khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh.

Từ vài ba lồng cá đầu tiên, hiện anh Sinh đã đầu tư, mở rộng lên khoảng 20 lồng, trong đó chủ yếu nuôi cá lăng, diêu hồng, trắm ốc...

Mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường khoảng 40 tấn cá, giá trị hơn 2 tỉ đồng, trừ hết chi phí anh thu về từ 300-400 triệu đồng.

Gia đình ông Trịnh Xuân Châu, thành viên của HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt, cũng là những hộ đầu tiên tham gia nuôi cá lồng. Hiện gia đình ông có 10 lồng cá đảm bảo tiêu chuẩn, với tổng diện tích nuôi trồng 360m2, trong đó có 3 lồng cá được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng.

“Trước đây công việc không ổn định, bấp bênh, cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, được huyện quan tâm hỗ trợ lồng nuôi cá, gia đình từng bước vượt qua khó khăn.

Sau vài vụ nuôi thành công, xuất bán cá có lời, cuộc sống gia đình tôi được nâng lên. Hiện 2 bố con tôi đã đầu tư nuôi trên 20 lồng cá, giá trị thu về mỗi năm trên 2 tỉ đồng”, ông Châu cho biết.

Mô hình nuôi cá lồng giúp nông dân thu về tiền tỉ. (Ảnh: NT).
Mô hình nuôi cá lồng giúp nông dân thu về tiền tỉ. (Ảnh: NT).

Thấy anh Sinh, ông Châu và một số hộ làm ăn hiệu quả, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thường Xuân cũng xuống hồ tham gia nuôi cá. Cá được nuôi trên lòng hồ chủ yếu là cá lăng, cá diêu hồng, trắm đen…

Hiện HTX nuôi trồng thuỷ sản hồ Cửa Đạt có 16 thành viên với trên 100 lồng cá, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 150 tấn cá, thu nhập khoảng 12-15 tỉ đồng. Không chỉ cho thu nhập khá, mô hình nuôi cá lồng còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.

Nhân rộng mô hình kết hợp phát triển du lịch

Theo anh Sinh, cái khó nhất của bà con trước kia là hướng tiêu thụ. Lúc chưa có hợp tác xã, các hộ nuôi chủ yếu tự tìm đầu ra, chào hàng chủ yếu ở các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng thực phẩm ở dưới thành phố… Sau khi thành lập hợp tác xã, nhiều nơi đã chủ động tìm đến thu mua.

Hiện thị trường tiêu thụ cá của HTX chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Cá nuôi trên lòng hồ chủ yếu là cá lăng, cá diêu hồng, cá trắm đen... (Ảnh: NT)
Cá nuôi trên lòng hồ chủ yếu là cá lăng, cá diêu hồng, cá trắm đen... (Ảnh: NT)

Để nguồn cung thị trường ổn định, các hộ dân nuôi cá theo phương pháp "cuốn chiếu". Khi lồng xuất bán đợt này thì phải có lồng cá khác đảm bảo đủ thời gian nuôi, cân nặng để xuất bán đợt sau. Với phương pháp quay vòng này, HTX luôn có cá bán quanh năm.

Điểm mới trong mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ Cửa Đạt những năm gần đây là các hộ dân vừa nuôi cá lồng cung cấp cho thị trường, vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái như: dịch vụ đưa đón khách trên thuyền vào các điểm tham quan trong quần thể hồ Cửa Đạt, phục vụ nhu cầu ẩm thực ngay trên thuyền, đưa khách tham quan khu nuôi cá, chế biến các món ăn từ sản phẩm cá lồng...

Du khách đến đây không chỉ trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên mà còn được khám phá, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc.

“Công ty hiện có 6 hộ vừa nuôi cá, vừa tham gia đầu tư thuyền đưa đón khách tham quan các điểm du lịch trên lòng hồ. Ngoài đưa đón khách tới tham quan, cắm trại vùng lòng hồ Cửa Đạt, chúng tôi còn phục vụ ăn uống ngay tại thuyền, đưa khách tham quan khu nuôi cá, chế biến các món ăn từ sản phẩm cá lồng... Nhờ đó, mỗi năm công ty đón được khoảng 3.000 - 4.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm”, anh Sinh cho hay.

Theo UBND huyện Thường Xuân, nghề nuôi cá lồng kết hợp du lịch sinh thái đã giải quyết việc làm cho trên 80 lao động địa phương, từ đó giúp ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại khu vực hồ Cửa Đạt. Hiện nay, trên lòng hồ thủy lợi Cửa Đạt, có 166 lồng nuôi trồng thủy sản (trong đó 100 lồng được chứng nhận VietGAP), sản lượng đạt gần 300 tấn/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.