Giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lùng Thàng

GD&TĐ - Nhờ Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, Lùng Thàng từ một xã đặc biệt khó khăn đã có chuyển biến tích cực trong xóa đói, giảm nghèo.

Người dân xã Lùng Thàng chăm sóc cây quế.
Người dân xã Lùng Thàng chăm sóc cây quế.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Lùng Thàng là một xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ. Hiện nay toàn xã có 753 hộ với 3.815 nhân khẩu. Trên địa bàn xã có 10 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Thời gian qua, xã luôn nhận sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của huyện cũng như sự phối hợp của các phòng, ban trong quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ, dự án đầu tư của Nhà nước trên địa bàn. Cùng với việc nhân dân đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, phát huy nội lực khắc phục khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội ở Lùng Thàng đã có những chuyển biến tích cực.

Qua công tác tuyên truyền về lợi ích từ cây quế mang lại, năm 2017 gia đình anh Tao Văn Hung ở bản Can Hồ, xã Lùng Thàng đã chuyển 2ha đất đồi sang trồng quế. Theo đó, gia đình anh được hỗ trợ 100% cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách chăm sóc.

Diện tích trồng quế của anh Tao Văn Hung sinh trưởng và phát triển tốt.

Diện tích trồng quế của anh Tao Văn Hung sinh trưởng và phát triển tốt.

Anh Tao Văn Hung chia sẻ: “Nhờ có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và thường xuyên quan tâm chăm sóc nên toàn bộ diện tích quế luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, có thương lái hỏi mua nhưng gia đình muốn chăm sóc vài năm nữa để giá thành cao hơn mới thu hoạch”.

Trong năm 2022, xã Lùng Thàng đã tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi 37ha đất kém hiệu quả sang trồng quế. Qua đó, nâng diện tích trồng quế của xã lên gần 130ha. Cùng với đó, xã cũng vận động người dân chuyển 254ha để trồng cây gỗ lớn như: sấu, lát, dổi…

Anh Vàng Văn Nó, Địa chính nông nghiệp, xã Lùng Thàng chia sẻ: “Để triển khai có hiệu quả việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang trồng quế, trồng rừng, xã đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hiện nay, một số diện tích quế chuẩn bị cho thu hoạch, mang lại kỳ vọng nâng cao thu nhập cho người dân”.

Người dân được hỗ trợ cây giống và kỹ thuật chăm sóc khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Người dân được hỗ trợ cây giống và kỹ thuật chăm sóc khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Để giúp nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế, xã Lùng Thàng còn phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện triển khai cho 410 hộ vay vốn thông qua 3 tổ chức của xã (Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên).

Gia đình chị Vàng Thị Lan, ở bản Nậm Bó sau khi được vay 50 triệu đồng thông qua Hội phụ nữ xã cùng với số tiền tích góp của gia đình đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua trâu sinh sản về nuôi. Đồng thời gia đình cũng đã trồng cỏ voi, đầu tư đường nước, một số thiết bị phục vụ cho việc chăn nuôi. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn và phòng, chống dịch bệnh nên đàn trâu đang phát triển tốt.

Chị Vàng Thị Lan phấn khởi: “Sau này, khi đàn trâu phát triển, gia đình cũng mong muốn được hỗ trợ kinh phí để làm chuồng trại, nhân rộng mô hình, giúp gia đình có thêm thu nhập”.

Ông Lò Văn Nọi, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng cho biết: “Hiện nay, xã Lùng Thàng được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt nhất là tiêu chí thu nhập, địa phương đã tập trung chỉ đạo người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp”.

Hướng tới giảm nghèo bền vững

Bên cạnh phát triển kinh tế, công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo luôn được địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó, chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đến đối tượng được thụ hưởng.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tương thân, tương ái, giúp đỡ các gia đình đặc biệt khó khăn. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà người nghèo, người có công, các đối tượng chính sách khác. Hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Cấp phát gạo cứu đói giáp hạt cho các hộ nghèo…” - ông Thàng Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng cho biết.

Cùng với đó, công tác bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện triển khai đầy đủ đúng đối tượng. Xã đã phối hợp với Hội chữ thập đỏ huyện thực hiện tháng nhân đạo. Thực hiện đúng đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với đồng bào vùng điều kiện kinh tế khó khăn. Tiếp tục triển khai các chương trình dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn xã theo quy định. Phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở lớp học nghề cho lao động nông thôn…

Ông Lò Văn Sương, người dân bản Lùng Thàng chia sẻ: “Hàng năm gia đình được hỗ trợ tiền điện và được tặng quà vào các dịp lễ, tết. Chúng tôi rất cảm ơn sự quan của Đảng, Nhà nước đã giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn”.

Người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế.

Người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế.

Song song với chính sách an sinh, các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên. Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong năm 2023, xã Lùng Thàng đặt mục tiêu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; phát triển kinh tế, sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững gắn. Hướng tới chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa liên kết, nâng cao đời sống phát triển kinh tế nông nghiệp một cách hiệu quả.

Cùng với đó, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội, các chính sách dân tộc, chương trình giảm nghèo bền vững. Đồng thời, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Ông Thàng Văn Tình cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Qua đó, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ về tín dụng, phát triển sản xuất và các dịch vụ xã hội cơ bản”.

Cũng theo ông Tình, địa phương sẽ nỗ lực để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo.

“Các chính sách được triển khai minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng sẽ góp phần cải thiện mức sống của nhân dân. Qua đó, xây dựng Lùng Thàng trở thành một xã nông thôn mới trên cơ sở giảm nghèo bền vững” – ông Thàng Văn Tình chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.