Vùng quê Hưng Thịnh đổi thay từ nỗ lực giảm nghèo bền vững

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái những năm qua chính quyền địa phương đã luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo, tạo đổi thay mới. 

Nhờ giảm nghèo, diện mạo trường học ở Hưng Thịnh ngày một tốt đẹp hơn.
Nhờ giảm nghèo, diện mạo trường học ở Hưng Thịnh ngày một tốt đẹp hơn.

Chỉ đạo quyết liệt

Ông Nguyễn Minh Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân xã Hưng Thịnh cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự điều hành của UBND, và sự vào cuộc của các đoàn thể, cả hệ thống chính trị của xã Hưng Thịnh đã tích cực thực hiện đồng bộ các chính sách về an sinh xã hội, lồng ghép với chương trình giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững với các hoạt động cụ thể như tạo điều kiện về vốn vay, đào tạo nghề.

Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của huyện ủy Trấn Yên, xã Hưng Thịnh đã chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo, giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ đạo giảm nghèo của xã rà soát dự kiến các hộ có khả năng thoát nghèo trong năm tham mưu cho Đảng ủy giao giúp đỡ các hộ thoát nghèo cụ thể cho Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức đoàn thể xã xây dựng biện pháp, giải pháp để giúp đỡ thoát nghèo.

Tập trung cho công tác xóa đói giảm nghèo, từ năm 2021, Đảng ủy xã Hưng Thịnh đã có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, tháng 11/2022 xã Hưng Thịnh đạt xã nông thôn mới nâng cao năm 2022, là xã được xếp đứng thứ nhất trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của huyện Trấn Yên, và cùng là một trong năm đơn vị tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được Thủ tướng tặng cờ thi đua của Chính phủ năm 2022.

Nhờ những quyết sách đúng đắn, xã Hưng Thịnh đã được nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2022.

Nhờ những quyết sách đúng đắn, xã Hưng Thịnh đã được nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2022.

Tạo sức đột phá cho xóa đói, giảm nghèo, Hưng Thịnh cũng tập trung chỉ đạo các nội dung liên quan đến phát triển sản xuất, đặc biệt là mô hình sản xuất tập thể theo kiểu mô hình mới (hợp tác xã, Tổ hợp tác xã) phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá giới thiệu, bán hàng trên không gian mạng, áp dụng chuyển đổi số trong kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Nỗ lực tạo đổi thay

Hiện nay diện tích cây ăn quả của xã hiện được trồng tập trung nhiều ở các thôn Yên Bình, Trực Chính, Trực Khang, Yên Phú, với trên 300 hộ dân trồng cây ăn quả có múi với các loại giống như cam đường canh, cam sành không hạt, quýt sen, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, bưởi da xanh, chanh tứ thời (trong đó đã có bưởi Diễn và quýt đường canh được công nhận là sản phẩm Ocop 3 sao). Hưng Thịnh đã có tổng diện tích cây ăn quả có múi của xã đã có trên 240 ha, trong đó gần 200 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch.

Nhận thấy đất đai, khí hậu tại địa phương phù hợp với cây ăn quả có múi, gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn ở thôn Yên Bình, đã cải tạo toàn bộ diện tích chè già cỗi và diện tích trồng lúa kém hiệu quả, chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả có múi như cam sành, cam đường canh, bưởi diễn, cam V2, chanh tứ thời... Bắt đầu trồng chanh từ năm 2005 với trên 7 ha, sản phẩm được tư thương đến tận nhà thu mua. Năm 2022, gia đình anh đã thu khoảng 15 tấn cam canh và 100 tấn chanh, thu nhập đạt trên 1 tỷ đồng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn là hộ tiên phong trồng cây ăn quả ở thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh

Gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn là hộ tiên phong trồng cây ăn quả ở thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh

Xác định giáo dục - đào tạo là nền tảng bền vững cho xóa đói giảm nghèo, hàng năm xã đã thực hiện phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của huyện Trấn Yên, trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Hội phụ nữ và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn tại địa phương nhằm tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng tìm kiếm việc làm, là tiền đề để nâng cao thu nhập, nâng cao cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp hoạt động và thu hút lực lược lao động tại địa phương có việc làm thường xuyên.

Cũng nhờ phát triển các loại hình dạy nghề và hướng nghiệp, đã góp phần tích cực phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn, hiện nay lực lượng lao động trên địa bàn xã là 2.318 người trong đó số lao động qua đào tạo 1,815 người/ 2.318 người tỷ lệ đạt 78.3 %, số lao động có bằng cấp , chứng chỉ là 898 người/ 2.318 người đạt tỷ lệ 38.7%. Điều này cho thấy, hiệu quả của các chính sách được triển khai có hiệu quả tới từng người dân, giúp người dân tham gia phát triển kinh tế hiệu quả. - Bí thư Nguyễn Minh Thanh nhấn mạnh

Để xóa đói giảm nghèo, ngoài trồng cây ăn quả ra xã Hưng Thịnh còn tập trung trồng các cây như cây quế, toàn xã có trên 1000 ha quế, măng bát độ, lá khôi nhung.... . Trong đó đã xây dựng được 200 ha quế sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện nay qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã tại thời điểm tháng 3 năm 2023 cả xã chỉ còn 14/ 1.265 hộ và theo kế hoạch 2023 xã phấn đấu giảm 7 hộ. Nỗ lực giảm nghèo bền vững của người dân, đã tạo đổi thay cho vùng quê này bằng chính sự quan tâm đến giáo dục, đưa chất lượng dạy - học ngày càng tốt lên. - Bí thư Nguyễn Minh Thanh cho biết

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ