Giảm gánh nặng hậu đại dịch

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Biến thể phụ BA.5 của Omicron đang nhanh chóng thống trị toàn thế giới, bao gồm cả ở New Zealand và Australia.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Khi biến thể “xâm chiếm” khắp nơi, tình trạng tái nhiễm sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, sẽ có nhiều người mắc hội chứng Covid kéo dài.

Trước thái độ ngày càng tỏ ra thoải mái trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn, nhiều người thậm chí không còn thực hiện những biện pháp phòng ngừa như: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và không tham dự sự kiện đông người. Hậu quả là số ca mắc cũng như gánh nặng tiềm ẩn của Covid kéo dài ngày càng tăng.

SARS-CoV-2 không phải là virus duy nhất có thể để lại hậu quả kéo dài. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở một số bệnh nhân sau Ebola, sốt xuất huyết, bại liệt, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và virus Tây sông Nile. Tuy nhiên, điều khác biệt là quy mô của đại dịch và số người bị ảnh hưởng bởi Covid kéo dài.

Một số nghiên cứu lớn ở Đan Mạch, Anh và Mỹ cho thấy, 20 - 30% người dương tính với Covid-19 đã trải qua ít nhất một triệu chứng kéo dài đến 12 tháng sau nhiễm bệnh.

Các triệu chứng bao gồm mất khứu giác và vị giác, mệt mỏi, khó thở, giảm sức mạnh chân tay, khó tập trung, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ và kiệt sức về tinh thần hoặc thể chất.

Tại Anh, tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng này cao hơn ở phụ nữ và người lớn tuổi. Những người phải nhập viện do Covid-19 ở Anh thậm chí còn gặp tình trạng nghiêm trọng hơn. Ở Mỹ, những người trẻ có nguy cơ rối loạn nhịp tim và đau cơ cao hơn nhóm trên 65 tuổi.

Điều này phù hợp với các quan sát cho rằng, hậu Covid-19 không phải là tình trạng chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, những người lớn tuổi sau mắc Covid-19 có nguy cơ gặp một số bệnh như suy thận, rối loạn đông máu, đột quỵ, tiểu đường loại 2, một loạt các bệnh lý thần kinh và tâm thần.

Có những bài học từ đại dịch cúm năm 1918 - 1919 mà có lẽ cần được áp dụng trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, những biện pháp đó nên được thực thi lâu dài.

Tại Nhật Bản, việc sử dụng khẩu trang là bắt buộc đối với một số người, như cảnh sát. Ở một số thị trấn, người dân không được phép sử dụng phương tiện công cộng hoặc vào nhà hát nếu không đeo khẩu trang.

Nhật Bản có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong tất cả các nước châu Á trong đại dịch cúm. Quốc gia này cũng đang nỗ lực trong việc duy trì tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất trong các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Trong đại dịch cúm năm 1918 - 1919, Mỹ đã nỗ lực đáng kể trong việc đưa ra các can thiệp sức khỏe cộng đồng, nhằm giảm tổng tỷ lệ tử vong. San Francisco, St Louis, Milwaukee và Kansas City đã có những biện pháp can thiệp hiệu quả nhất, làm giảm tỷ lệ lây truyền từ 30 - 50%.

Theo các chuyên gia, các nước sẽ mạnh mẽ hơn để đối phó với đại dịch, cũng như giảm gánh nặng của Covid kéo dài, nếu tăng tỷ lệ tiêm chủng, cũng như áp dụng phổ biến việc sử dụng khẩu trang thường xuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ