Nghiên cứu chỉ ra đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe, tài chính hậu Covid-19

GD&TĐ - Một nghiên cứu mới do Trường Đại học College London (UCL) (Anh) dẫn đầu cho thấy, người trên 52 tuổi có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng, cũng như gặp khó khăn về tài chính sau khi mắc Covid-19.

Khoảng 40% người lớn tuổi mắc Covid-19 gặp nhiều khó khăn về tài chính hơn so với trước đại dịch.
Khoảng 40% người lớn tuổi mắc Covid-19 gặp nhiều khó khăn về tài chính hơn so với trước đại dịch.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ 5.146 người trưởng thành trong độ tuổi 52 - 74. Nhờ đó, xem xét tác động tức thời và lâu dài của việc mắc Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần, hạnh phúc, tương tác xã hội và tình hình tài chính.

Những người tham gia cung cấp dữ liệu trước đại dịch (2018 - 2019) và tại hai đợt đánh giá vào năm 2020 (tháng 6 - 7 và tháng 11 - 12). Các nhà khoa học đã xem xét các đặc điểm xã hội học, những yếu tố liên quan đến sức khỏe và dữ liệu trước đại dịch.

Kết quả cho thấy, 49% người lớn tuổi từng mắc Covid-19 có các triệu chứng trầm cảm đáng kể về mặt lâm sàng. Trong khi đó, tỷ lệ này ở những người không mắc bệnh là 22%.

Những tác động bất lợi này kéo dài đến sáu tháng sau khi mắc bệnh. Tình trạng được cho là trầm trọng hơn. Một đánh giá vào giữa tháng 11 và tháng 12/2020 ước tính, tỷ lệ trầm cảm và lo lắng ở những người lớn tuổi nhiễm bệnh là 72% và 13%, so với 33% và 7% ở những người không mắc Covid-19.

Ngoài ra, có khoảng 40% người lớn tuổi mắc Covid-19 gặp nhiều khó khăn về tài chính hơn so với trước đại dịch. Cảm giác cô đơn ở những người lớn tuổi này cũng cao gấp đôi so với nhóm không mắc bệnh. Tuy nhiên, những lo lắng về tài chính đã giảm vào tháng 11/2020 và không có sự khác biệt đáng kể nào giữa những người bị nhiễm Covid-19 và nhóm khoẻ mạnh.

Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Ellie Iob (Viện Dịch tễ học và Sức khỏe UCL) cho biết, hiện, có rất ít bằng chứng về tác động của việc nhiễm Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần, tài chính cá nhân và các mối quan hệ xã hội của một người.

“Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, những người lớn tuổi nhiễm Covid-19 có mức độ trầm cảm và lo lắng cao hơn. Chất lượng cuộc sống của họ cũng kém hơn. Họ có cảm giác cô đơn và khó khăn về tài chính hơn so với những người không nhiễm bệnh. Chúng tôi khuyến khích, bất kỳ ai có thể gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc sức khỏe, hãy nói chuyện với bác sĩ”, Tiến sĩ Iob cho biết.

Việc phân loại nhiễm Covid-19 có thể dựa trên các triệu chứng tự báo cáo và không được xác nhận bằng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, không phải tất cả những người tham gia được phân loại là nghi mắc Covid-19 đều đã thực sự nhiễm bệnh.

Theo MedicalXpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ