Đó là khuyến nghị của TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội). Tuy nhiên, đây là câu chuyện lớn mà các trường trăn trở và tìm cách tháo gỡ.
Cần có cơ chế tháo gỡ
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, giải pháp lâu dài cần có cơ chế tháo gỡ, hướng đến ưu tiên cho các trường, nhất là những trường có chiến lược, mục tiêu nâng thứ hạng rõ ràng.
Mặt khác, cần có chương trình khoa học công nghệ trọng điểm, với những nhóm nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành. Với những nhóm này, Nhà nước nên có ưu tiên “đặt hàng” và hỗ trợ kinh phí đầu tư khoa học công nghệ.
Cùng với đó, cần có kết nối với khu vực doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn để thúc đẩy “đặt hàng” đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ và các sản phẩm dịch vụ khác.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, để làm được cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ đội ngũ, năng lực quản lý, thương hiệu, văn hóa làm việc của các trường đại học nói chung và văn hóa liên kết giữa nhà trường với cộng đồng, doanh nghiệp nói riêng.
Lâu nay, các trường vẫn trăn trở việc chuyển giao khoa học công nghệ ra bên ngoài, TS Nguyễn Quốc Việt nhìn nhận và cho rằng, đây là giải pháp nhằm tăng nguồn thu cho các trường. Vấn đề đặt ra là, làm sao để thành lập doanh nghiệp trong trường để có thể tự chuyển hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.
Thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có ý tưởng về vấn đề này. Hiện, một số trường đã tương đối thành công như: Đại học Bách khoa của Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Đây là những mô hình điển hình, các trường có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn khó khăn, vướng mắc về việc đầu tư của Nhà nước cho các chương trình hoặc đề tài nghiên cứu. Chẳng hạn, có được thương mại hóa bởi các trường và nhóm tác giả hay không?
TS Nguyễn Quốc Việt. Ảnh: Internet. |
Tạo “vườn ươm” doanh nghiệp
TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, phải có sự kết hợp và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp để cùng hợp tác phát triển. Muốn vậy, phải có môi trường thuận lợi, tạo “vườn ươm” doanh nghiệp.
Cũng từng nghiên cứu và khảo sát ở nước ngoài TS Nguyễn Quốc Việt nhận thấy, họ kết hợp chặt chẽ với hiệp hội doanh nghiệp. Thậm chí, trong khu công nghiệp họ thiết kế ngay “vườn ươm” ở trong khu công nghiệp. Trong các cơ sở giáo dục đại học, nếu có “vườn ươm” như trong khu công nghiệp thì mới hiệu quả. Khi đó, sẽ giải quyết được một phần của bài toán về kinh phí.
“Giảm gánh nặng học phí cho người học cần nhiều giải pháp tổng hòa, không chỉ phụ thuộc vào sự năng động của cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Cần tạo môi trường và động lực cho các bên liên quan để đa dạng hóa nguồn thu cho các cơ sở đào tạo. Qua đó, từng bước giảm áp lực tăng học phí”, TS Nguyễn Quốc Việt chốt lại.
Liên quan đến các chính về học phí được quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP (Nghị định 97) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Nghị định 81) phù hợp với bối cảnh hiện nay ở cả góc độ vĩ mô cũng như góc cạnh hỗ trợ người lao động và người nghèo, TS Nguyễn Quốc Việt nhìn nhận.
Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC |
Cần hiểu tường minh Nghị định 97 yêu cầu lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81. Theo đó, học phí năm học này được phép tăng so với năm trước nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81 để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên. Như vậy, Chính phủ đã có tính toán dựa trên trượt giá của các năm trước và không tạo ra áp lực với mức tăng học phí “đột biến”.
Đặt giả thiết, nếu lấy lộ trình tăng học phí của Nghị định 81 để áp dụng ngay trong năm học 2023 – 2024 thì mức tăng sẽ “nhảy bước” và “sốc” nên sẽ cao hơn nhiều so với quy định của Nghị định 97.
“Vì thế, tôi cho rằng, quy định về học phí trong Nghị định 97 khá hài hòa, phù hợp với thực tiễn. Về mặt vĩ mô, Chính phủ đã xử lý khéo léo, giúp ổn định giá cả, không tạo áp lực với người học” - TS Nguyễn Quốc Việt trao đổi.