Trong bối cảnh này, các trường phải “liệu cơm gắp mắm” hoặc tìm các nguồn thu khác để đảm bảo hoạt động.
Thách thức với bài toán thu, chi
Trường ĐH Công Thương TPHCM (được đổi tên từ Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM) thực hiện tự chủ từ năm 2017, bị cắt 100% đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Mức học phí của trường hiện 27 - 29 triệu đồng/năm. Năm học 2023 - 2024, trường dự kiến tăng lên mức 28 - 32 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trước yêu cầu của Chính phủ về việc không tăng học phí năm học mới, trường giữ nguyên mức thu cũ.
Học phí không tăng 3 năm liên tiếp, nhưng theo tính toán, cơ sở vật chất và các dịch vụ liên quan mà trường phải chi đã tăng hơn giai đoạn 5 năm trước khoảng 20 - 30%. Chưa kể, lương cơ sở tăng kéo theo khoản chi cho lương, phụ cấp của cán bộ, giảng viên, nhân viên toàn trường tăng gần 20 tỷ đồng/năm.
Đại diện nhà trường, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho biết, đơn vị phải cắt giảm các khoản thưởng, du lịch, nghiên cứu, tổ chức hội thảo để đảm bảo nguồn chi chế độ cho giảng viên, người lao động.
Theo khảo sát, học phí là một trong 3 khoản thu chính của các trường đại học, ngoài ngân sách Nhà nước và các nguồn thu khác (nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nguồn thu hợp pháp khác). Tùy từng trường, học phí chiếm tỷ trọng 50% - 90% nguồn thu. Do đó, việc không tăng học phí trong năm học 2023 - 2024 là thách thức lớn cho các trường trong bài toán thu chi và thực hiện tự chủ đại học. Khó khăn này càng rõ nét với các trường không còn được nhận ngân sách Nhà nước.
Tương tự, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM quyết định không tăng học phí trong năm học 2023 - 2024, duy trì ở mức 10,6 triệu đồng/năm học với chương trình chuẩn và hơn 23 triệu đồng/năm với chương trình chất lượng cao. Đây là năm thứ 4 trường giữ nguyên mức phí này.
“Không tăng học phí năm học 2023 - 2024 đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ đối mặt với nhiều khó khăn về thu nhập cho cán bộ, giảng viên, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập. Nhà trường kêu gọi cán bộ, giảng viên và người lao động đồng lòng cùng nhà trường, người học chia sẻ những khó khăn trong giai đoạn này”, PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM gửi thông điệp đến cán bộ, giảng viên.
Trường ĐH Y Dược TPHCM thực hiện tự chủ từ 3 năm nay. Ảnh: Mạnh Tùng |
Thắt chặt chi tiêu
Tại Học viện Hàng không Việt Nam, trước khi có yêu cầu của Chính phủ về việc không tăng học phí trong năm học 2023 - 2024, nhà trường dự kiến thu học phí tăng theo lộ trình của Nghị định 81/2021. Theo đó, Học viện thông báo trong đề án tuyển sinh năm 2023, mức học phí 12 triệu/học kỳ (15 tín chỉ), tương đương 24 triệu đồng/năm cho tất cả ngành đào tạo. Đại diện Học viện cho biết, đơn vị tạm thu theo mức đã công bố và sẽ điều chỉnh theo đúng chủ trương khi Chính phủ ban hành văn bản điều chỉnh Nghị định 81/2021.
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên Học viện Hàng không Việt Nam thu học phí theo đơn vị tự chủ chi thường xuyên. Thực hiện Nghị quyết 165/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ với chủ trương ổn định năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022, Học viện đã hoàn trả, khấu trừ học phí cho sinh viên.
Trong khi đó, trường vẫn đầu tư mạnh về cơ sở vật chất cũng như lương, thù lao cho cán bộ, giảng viên, thu hút giảng viên trình độ cao. Cơ sở vật chất được nâng cấp khi 100% phòng học gắn máy lạnh, đèn chiếu... Bàn ghế cũng nâng cấp mới; phòng, sân tập được sửa chữa, xây mới. Nhà trường còn cung cấp miễn phí tài khoản sử dụng thư viện số của ĐH Quốc gia TPHCM cho toàn bộ giảng viên, sinh viên.
Theo giải thích của đại diện Học viện Hàng không Việt Nam, với những trường đã tự chủ và triển khai thu học phí từ các năm trước, không tăng học phí không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch đầu tư cũng như lộ trình phát triển của trường, vì biên độ tăng học phí theo Nghị định 81 chỉ dao động 10 - 15% tùy ngành. Trong khi đó, với trường đã tự chủ nhưng chưa triển khai thu học phí tương ứng sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến nhà trường phải thắt chặt thu chi trong mọi hoạt động.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá cả leo thang, học phí không tăng, giải pháp được nhiều trường đại học đưa ra là “thắt lưng buộc bụng” chi tiêu. ThS Phạm Thái Sơn cho rằng, cần tiết kiệm tối đa những khoản chi tiêu có thể cắt giảm. Tuy nhiên, khoản chi dành cho sinh viên như đào tạo, thực hành, thực tập và thu nhập cho cán bộ, giảng viên thì không thể cắt giảm. Nếu khó khăn, các trường đại học có thể tính đến phương án vay ngân hàng để xoay xở trước các khoản chi cần thiết.
“Khéo co thì ấm” cũng là cách làm được lãnh đạo một số trường đại học ở TPHCM chia sẻ. Theo đó, các khoản chi “cứng” như thu nhập giảng viên, đầu tư cho đào tạo vẫn giữ nguyên. Khoản chi khác như tổ chức hội thảo, hoạt động ngoại khóa, du lịch cho cán bộ, giảng viên sẽ được tiết giảm.
Các trường thực hiện tự chủ đại học đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất. Trong ảnh là cơ sở UEH Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh của Trường ĐH Kinh tế TPHCM được đưa vào sử dụng từ năm 2021. Ảnh: UEH |
Liệu cơm gắp mắm
Tự chủ đại học là nói đến vấn đề tự quyết của nhà trường bao gồm nguồn nhân lực, tuyển sinh, quản lý, tài chính, nghiên cứu, học thuật, xuất bản. Trong đó, yếu tố học phí được nhiều trường nhắc đến nhất bởi bài toán tài chính luôn là gánh nặng lớn nhất.
Tại ĐH Quốc gia TPHCM, các trường thành viên thực hiện tự chủ đại học với nhiều phương thức đa dạng, sáng tạo nhằm thích ứng với bối cảnh kinh tế, xã hội sau đại dịch Covid-19. Trong đó, nhiều trường xác định tự chủ đại học không đơn giản chỉ là tự chủ tài chính.
Trường ĐH Bách khoa đang đẩy mạnh nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Chẳng hạn, với mô hình Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa TPHCM (BKtechs), nhà trường có thêm nguồn thu trong nhiều lĩnh vực. Trường đại học này cũng tăng cường mở lớp đào tạo ngắn hạn phục vụ nhu cầu của các đơn vị, công ty.
Trong kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, cơ sở vật chất, tài chính là một trong những vấn đề trọng tâm. Trong năm học 2021 – 2022, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, lại mới thực hiện tự chủ đại học, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên đơn vị đã lên phương án tài chính cho quá trình tự chủ đại học dựa trên các nguồn lực: Phát triển nguồn tài chính từ hoạt động dịch vụ; huy động nguồn tài trợ trong và ngoài nước; đồng thực hiện phân tích, dự báo, hoạch định tài chính hiệu quả… Nhờ đó, trường từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Cũng nhờ đa dạng nguồn thu, đặc biệt từ công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, Trường Đại học Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM có bước phát triển mạnh mẽ trong việc tự chủ.
Trong khối ĐH Quốc gia TPHCM, đây là đơn vị thành viên tự chủ sớm nhất, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, có mức học phí trung bình một năm khoảng 50 triệu đồng. Nhờ những bước đi sáng tạo, thu nhập bình quân hằng tháng của giảng viên trường năm 2020 ở mức 50 triệu đồng; đồng thời thu hút được nhiều giảng viên giỏi trong đó có nhiều giáo sư nước ngoài.
Một số trường đại học khác cũng xác định, trong bối cảnh khó khăn về kinh tế và nguồn thu phải chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa và gia tăng nguồn lực đầu tư. Có như vậy, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và nhiều hoạt động khác mới được đảm bảo. Đồng thời, để tạo hành lang thông thoáng cho việc đa dạng nguồn thu ngoài học phí, các trường kiến nghị Nhà nước sớm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác công tư PPP; nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng.
Ở góc độ chuyên gia giáo dục, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, thực hiện cơ chế tự chủ đại học đang còn nhiều lúng túng do sự nhầm lẫn giữa trao quyền tự chủ cho các trường với việc đòi hỏi phải tự lo về tài chính. Nói cách khác, tự chủ đang được đánh đồng với tự túc.
Theo ông TS Lê Viết Khuyến, nguồn thu của trường đại học, ngoài ngân sách, có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như đóng góp của nhà hảo tâm, hỗ trợ của doanh nghiệp, doanh thu từ sản phẩm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ,…
Tuy nhiên, khác với các nước tiên tiến, nguồn thu từ nhà hảo tâm, doanh nghiệp ở trường đại học Việt Nam rất khiêm tốn. Học phí vẫn là thành phần chính trong tổng nguồn thu của nhà trường. Do đó, theo chuyên gia này, không nên cắt nguồn ngân sách với các trường thực hiện tự chủ đại học. Trái lại, cần tăng cường hỗ trợ để nhanh chóng triển khai chủ trương tự chủ.
Đồng quan điểm, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT cho rằng, nếu không được tăng học phí sẽ rất khó để nâng chất lượng giáo dục đại học ngang tầm thế giới. Để đảm bảo chất lượng, chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên phải đủ lớn. Khi học phí không được tăng, ngân sách Nhà nước hạn hẹp, cần phát triển các mô hình tín dụng, cho vay để sinh viên tiếp cận nguồn vốn phục vụ việc học.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến đầu năm 2023, cả nước có 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Ba nguyên nhân chính khiến các trường còn lại chưa đủ điều kiện tự chủ gồm: Chưa công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học; chưa thành lập Hội đồng trường; chưa ban hành đầy đủ văn bản, quy chế theo quy định và chưa đáp ứng các yêu cầu khác (ví dụ chưa chuyển đổi mô hình tổ chức từ dân lập sang tư thục).