Điều chỉnh lộ trình tăng học phí là phù hợp với thực tiễn

GD&TĐ - Việc điều chỉnh tăng học phí là chính sách quan trọng giúp trường đại học có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo.

Điều chỉnh lộ trình tăng học phí là phù hợp với thực tiễn.
Điều chỉnh lộ trình tăng học phí là phù hợp với thực tiễn.

Cần xây dựng cơ chế phù hợp với mức điều chỉnh học phí

Theo đó, chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 năm 2021 về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí hỗ trợ chi phí học tập...Theo quy định mới này, đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập, Chính phủ quyết định lùi lộ trình tăng học phí so với quy định tại Nghị định 81. Điều này để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.

Mức học phí với trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 là khoảng 1,2-2,4 triệu đồng một tháng, tùy khối ngành. So với mức thu cũ, mức học phí năm học 2023-2024 của khối ngành Y - Dược tăng mạnh nhất (71,3%); khối ngành khác tăng dao động 20-30%. Riêng nhóm khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, mức tăng là 15,8%. Đến năm học 2026-2027, mức trần tăng lên 1,7-3,5 triệu đồng/tháng.

Tại Trường Đại học Y – Dược, Đại học Thái Nguyên, nhà trường hiện có 150 ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo với gần 10.000 học viên, sinh viên. Trong 3 năm gần đây, thực hiện chủ trương chung, trường không tăng học phí. Bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách cấp còn hạn hẹp, trường đã phải tự cân đối khoản thu – chi. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo thì cũng cần được đầu tư tương xứng, chính vì vậy khiến trường gặp khó khăn trong vận hành.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Y – Dược, Đại học Thái Nguyên cho biết: Chi phí cho đào tạo khối ngành sức khỏe cao nhất trong các ngành bởi liên quan đến việc thực hành, thực tập và đặc biệt có những chi phí liên quan đến con người. Do đó, học phí thấp sẽ gây cản trở rất lớn đến việc nhà trường đảm bảo chất lượng trong quá trình đào tạo, bằng nhiều giải pháp, thời gian qua nhà trường cũng đã cố gắng tiết kiệm tất cả các nguồn chi, tập trung vào việc giữ vững và đảm bảo chất lượng đào tạo qua đó góp phần chia sẻ với cộng đồng vượt qua khó khăn".

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nghị định 97 ra đời trong bối cảnh trường Đại học Y – Dược đã đăng ký tự chủ chi thường xuyên nên nhà trường sẽ xây dựng một cơ chế phù hợp với mức điều chỉnh học phí, một lộ trình thích hợp với điều kiện của nhà trường, với các đối tượng tuyển sinh, để làm sao gia đình, xã hội và nhà trường cùng chung tay làm tốt công tác giáo dục đào tạo.

Chi phí cho đào tạo khối ngành sức khỏe cao nhất trong các ngành bởi liên quan đến việc thực hành, thực tập và đặc biệt có những chi phí liên quan đến con người.

Chi phí cho đào tạo khối ngành sức khỏe cao nhất trong các ngành bởi liên quan đến việc thực hành, thực tập và đặc biệt có những chi phí liên quan đến con người.

Sẻ chia đồng hành cùng sinh viên

Còn tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), ngay sau khi Nghị định 97 được ban hành, nhà trường đã có những giải pháp nhằm chia sẻ với những khó khăn của sinh viên, thông qua việc triển khai các mức ưu đãi về học bổng dành cho sinh viên nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện.

PGS.TS Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên cho biết: Đối với một cơ sở giáo dục công lập, đầu tư cho giáo viên, giảng viên, đầu tư cho cơ sở vật chất và đầu tư cho trang thiết bị học tập chính là đầu tư cho người học, từ đó chất lượng học tập cũng sẽ được nâng lên nhờ vào mức đóng góp của chính học sinh, sinh viên, vì vậy tôi cho rằng việc tăng học phí của Chính phủ là cực kỳ cần thiết.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chính vì vậy với mong muốn, sẻ chia đồng hành cùng sinh viên. Nhà trường đã bàn bạc, thống nhất và đi đến quyết định sẽ không truy thu học phí học kỳ I năm học 2023 – 2024 và coi đây là phần hỗ trợ, chia sẻ với người học và mức tính học phí theo khung giá mới sẽ bắt đầu từ học kỳ II".

Có thể thấy, việc tăng học phí là tất yếu khách quan của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, qua đó góp phần mở rộng, tăng cường cơ sở vật chất, thu hút và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên giỏi, chính vì vậy việc tăng học phí và tăng học phí thường xuyên có lộ trình theo đúng tinh thần của Nghị định 97 là điều tất yếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ