Đại học Hàn Quốc loay hoay tăng học phí

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ Giáo dục Hàn Quốc tăng mức trần học phí nhưng khuyến khích các trường không tăng học phí.

Tỷ lệ sinh giảm khiến các trường đại học khó tuyển sinh, giảm thu nhập.
Tỷ lệ sinh giảm khiến các trường đại học khó tuyển sinh, giảm thu nhập.

Điều này gây khó khăn cho các trường trong việc duy trì chất lượng đào tạo.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc mới đây công bố sẽ tăng mức trần học phí từ 4,05% vào năm 2023 lên 5,64% vào năm 2024. Đây là mức tăng cao nhất trong 13 năm kể từ khi nước này áp dụng giới hạn học phí vào năm 2011. Tuy nhiên, Bộ khẳng định họ kiên định với cam kết giữ nguyên học phí.

Hàng năm, Chính phủ Hàn Quốc sẽ công bố mức trần học phí để các trường đại học có cơ sở xây dựng chính sách học phí cho năm học tới. Năm 2023, mức trần học phí nằm ở 4,05%, sau nhiều năm tăng rất thấp hoặc gần như giữ nguyên. Năm 2021, mức trần học phí giới hạn ở 1,65%.

Năm ngoái, nhiều trường đại học đã quyết định tăng học phí lên “kịch trần”. Các trường được phép tăng học phí gấp 1,5 lần tốc độ tăng giá tiêu dùng trong 3 năm trước đó. Các trường tăng học phí sẽ không được nhận tài trợ của chính phủ theo Chương trình Học bổng quốc gia.

Chuẩn bị cho năm học mới bắt đầu vào tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Giáo dục Oh Seok-hwan cho biết: “Bộ Giáo dục đã duy trì chính sách giữ nguyên học phí nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình. Bộ kêu gọi các trường đại học cố gắng giữ nguyên học phí sau khi cân nhắc các thách thức kinh tế trong năm tới như lạm phát, lãi suất cao”.

Tuy nhiên, nhiều trường đại học đang phản đối việc Bộ Giáo dục khuyến khích họ giữ nguyên mức học phí. Hầu hết các trường hiện nay đều đối mặt với khủng hoảng tài chính, một phần do tỷ lệ sinh giảm làm hạn chế số lượng tuyển sinh. Đại diện các trường thống nhất rằng chi phí giáo dục cho mỗi sinh viên đang tăng lên nên việc giữ nguyên học phí suốt 13 năm qua là không thể.

Khó khăn tài chính khiến chất lượng giáo dục của các trường đi xuống. GS kinh tế tại một trường đại học hàng đầu Seoul phân tích: “Vệc tuyển dụng giảng viên xuất sắc, đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới giảng dạy là thách thức với các trường đại học hiện nay. Với chi phí ngày càng cao và học phí trì trệ, chất lượng giáo dục suy giảm là điều khó tránh khỏi. Vì tương lai của đất nước, chính phủ cần nới lỏng quy định để các trường hoàn thành vai trò của mình”.

Vì lý do trên, các trường quyết định tăng học phí bất chấp việc không được nhận tài trợ quốc gia. Còn các chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ Giáo dục không nên hạn chế hỗ trợ cho các trường đại học Hàn Quốc tăng học phí. Việc liên kết quy định tăng học phí và hỗ trợ quốc gia sẽ hạn chế quyền tự chủ của các trường đại học.

Chưa kể, để nhận hỗ trợ của chính phủ, các trường sẽ chuyển hướng tăng học phí đối với sinh viên quốc tế, từ đó, đẩy gánh nặng sang cho nhóm sinh viên này. Học phí tăng quá cao có thể khiến Hàn Quốc giảm sức cạnh tranh so với các nước khác có hệ thống giáo dục tương đương trong khu vực.

Theo phân tích của Hội đồng Giáo dục Đại học Hàn Quốc (KCUE), chi phí giáo dục cho mỗi sinh viên năm 2021 tăng 5% so với năm 2020, trong khi thu nhập từ học phí và lệ phí của các trường đại học tư thục trên toàn quốc giảm hơn 10% từ năm 2011 đến 2021. Chi phí nhân sự và chi phí hoạt động của các trường tăng 10% trong cùng kỳ.

Theo UWN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ