Giải pháp trữ nước mưa để chống ngập

GD&TĐ - ThS Hồ Văn Hòa, Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM và cộng sự vừa nghiên cứu giải pháp trữ nước mưa giải bài toán ngập lụt cho khu vực TPHCM.

Hệ thống trữ nước mưa giải bài toán ngập lụt ở TPHCM.
Hệ thống trữ nước mưa giải bài toán ngập lụt ở TPHCM.

Nếu sử dụng 20% diện tích lưu vực để triển khai các giải pháp trữ nước mưa như vườn mưa, rãnh thấm tại lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM) có thể giảm 48,31% ngập so với hiện trạng.

Giải pháp dùng nước chống ngập

ThS Hồ Văn Hòa, Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM và cộng sự vừa nghiên cứu giải pháp trữ nước mưa để giải bài toán ngập lụt cho khu vực TPHCM. Tình trạng ngập lụt đang là một trong những nguyên nhân chính đe dọa sự phát triển bền vững của TPHCM, song song với các vấn đề khác như kẹt xe, ô nhiễm môi trường,… Do đó, giảm nhẹ rủi ro ngập lụt là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Thành phố.

Nhằm khắc phục những hạn chế của tiếp cận thoát nước truyền thống và thích ứng hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu, đô thị hóa quá mức cho phép, các nước trên thế giới đã áp dụng tiếp cận trữ nước mưa thông qua việc chuyển đổi từ hạ tầng xám sang hạ tầng xanh, từ tiếp cận thoát nước nhanh sang thoát nước chậm (trữ, thấm, sử dụng và thoát nước khi cần thiết).

ThS Hồ Văn Hòa cho biết, tiếp cận trữ nước mưa ưu tiên việc tạo không gian cho nước, xem nước mưa là nguồn tài nguyên phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Ngoài ra, đây là giải pháp có tính linh hoạt mềm dẻo, có thể triển khai phân kỳ theo từng giai đoạn và từng khu vực.

Đối với những khu vực chưa hoàn chỉnh hạ tầng thoát nước, giải pháp trữ nước mưa giúp giải quyết ngập lụt cục bộ, cấp bách trong khi chờ hệ thống hạ tầng thoát nước được xây dựng hoàn chỉnh. Sau khi hoàn thiện hạ tầng thoát nước cơ bản, hệ thống trữ nước mưa sẽ đóng vai trò tăng cường khả năng ứng phó với những yếu tố bất định như mưa cực trị, đô thị hóa quá mức cho phép, nước biển dâng,…

Các giải pháp trữ nước mưa đã áp dụng thành công tại nhiều quốc gia nhưng vẫn còn khá mới ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Từ thực tế này, nhóm nghiên cứu đã triển khai thực hiện các nội dung nghiên cứu gồm đánh giá tính khả thi và hiệu quả của tiếp cận trữ nước mưa giảm ngập đô thị; cập nhật, kiểm định, hiệu chỉnh mô hình mô phỏng hệ thống thoát nước chi tiết; đề xuất giải pháp trữ nước mưa cho các vùng thoát nước; giải pháp kỹ thuật nâng cấp và cải tạo hệ thống thoát nước; thiết kế thí điểm áp dụng giải pháp trữ nước mưa giảm ngập cho 3 khu vực điển hình (diện tích khu vực điển hình tối thiểu 50 - 100ha).

Tại TPHCM, giải pháp trữ nước mưa đã được đề cập trong hầu hết các quy hoạch thoát nước và xây dựng, tuy chỉ triển khai ở quy mô nhỏ lẻ như hồ điều tiết Thanh Đa, Mễ Cốc,… nhưng mang lại hiệu quả giảm ngập tích cực.

Nghiên cứu điển hình cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NLTN) và Tân Hóa - Lò Gốm (THLG) cho thấy các giải pháp trữ nước mưa theo phương án tập trung hoặc phân tán đều mang lại hiệu quả giảm ngập cao. Ví dụ nếu sử dụng 20% diện tích lưu vực để triển khai các giải pháp trữ nước mưa như vườn mưa, rãnh thấm tại lưu vực NLTN có thể giảm 48,31% ngập so với hiện trạng.

Xây dựng các kịch bản trữ nước mưa

ThS Hồ Văn Hòa cho biết, nhóm đã đề xuất được các kịch bản trữ nước mưa cho điều kiện hiện trạng, giai đoạn trung hạn 2040 và dài hạn 2060. Từ nay đến năm 2040, để hạ tầng thoát nước Thành phố hoạt động đúng theo thiết kế ứng với Quy hoạch 5 cần thiết bổ sung dung tích trữ vào khoảng 2,43 triệu m3 đến 2,65 triệu m3 với tổng tỉ lệ diện tích cần sử dụng là 0,3% và kinh phí khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khu vực trung tâm hiện nay đã phát triển quá mức và cần kinh phí lớn để điều tiết đưa hệ thống thoát nước hoạt động theo đúng thiết kế ban đầu.

Kịch bản trung hạn năm 2040 và dài hạn 2060: 7 vùng thoát nước cần trữ lần lượt là 10,329 triệu m3 và 17,295 triệu m3 với diện tích cần thiết khoảng 1,3% đến 2,18% diện tích của vùng và khoảng 41 - 70 nghìn tỷ đồng để thực thi (tính toán theo đường cong V-I-P).

Giải pháp trữ nước mưa hoàn toàn khả thi vì chỉ sử dụng một phần nhỏ diện tích, tuy nhiên bài toán về kinh phí cần được xem xét. Nên ưu tiên tiếp cận theo hướng bố trí phân tán, lồng ghép với các công trình hạ tầng khác và phân kỳ theo từng giai đoạn, từng khu vực nhỏ ưu tiên/trọng điểm để giảm chi phí.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định được 114/260 vị trí ao hồ hiện hữu và 139/205 vị trí vùng trũng thấp có khả năng chứa nước đã được kiểm chứng qua khảo sát thực địa. Ngoài ra, một ứng dụng điện thoại hỗ trợ thu thập thông tin hình ảnh về khu vực trữ nước tiềm năng từ cộng đồng và gửi về máy chủ đã được xây dựng cho hệ điều hành Android.

Căn cứ vào dung tích trữ cần thiết cho từng khu vực, đặc điểm hiện trạng các vùng thoát nước, nhóm nghiên cứu khuyến nghị phân bổ không gian trữ nước cho từng vùng. Theo đó, ưu tiên duy trì các ao hồ hiện hữu để trữ nước, bố trí dung tích trữ theo hướng tập trung, phân tán, gắn với công trình. Khuyến nghị có cơ chế kiểm soát dòng chảy tràn tại các khu dân cư nằm dưới mức cho phép trước khi đấu nối vào hệ thống cống chung của Thành phố.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp trữ nước mưa điển hình và thiết kế thí điểm cho 3 khu vực điển hình tại TPHCM. Cụ thể, ứng với những khu vực đô thị hóa cao, mật độ dân cư đông, thiếu quỹ đất xây dựng như khu vực lân cận đường 3/2 thuộc Quận 10, đề xuất bố trí hồ điều tiết ngầm; đối với các khu vực có mật độ đô thị hóa trung bình, có sông/kênh nhiều (như lưu vực rạch Thủ Đức) sẽ bố trí các hồ điều tiết kết hở.

Đối với các khu đô thị mới như Vạn Phúc, Sala, Zeitgeist Nhà Bè, Đông Tăng Long,… nhóm đề xuất thiết kế các giải pháp trữ phân tán để bổ trợ cho hệ thống thoát nước tại các khu đô thị mới có mật độ đô thị hóa thấp.

Nghiên cứu điển hình tại khu vực Đông Tăng Long (TP Thủ Đức) cho thấy, hiệu quả giảm ngập từ 5,4% đến 14% tùy vào từng kịch bản; chi phí thực hiện khoảng hơn 37 tỷ đồng, hoàn toàn có khả thi khi lồng ghép vào các dự án thoát nước sẽ thực hiện tại những khu vực đô thị mới này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.