Giải pháp tổng thể bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo

GD&TĐ - Nhà giáo là lực lượng nòng cốt và quyết định sự phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đội ngũ nhà giáo cần được đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo đảm đủ năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Giải pháp tổng thể bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng gắn với cơ cấu chức danh nghề nghiệp

ThS Lý Bảo Toại - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT Đồng Tháp) - cho rằng, để mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác bồi dưỡng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch nhằm cân đối cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong cơ sở giáo dục hài hòa, hợp lý.

Thực hiện cơ cấu hạng chức danh hợp lý giúp cho cơ sở giáo dục không chỉ sử dụng tiết kiệm ngân sách mà còn góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có, hỗ trợ cho cơ quan quản lý vận dụng trong công tác quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm, bồi dưỡng; làm căn cứ để cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo xây dựng, đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng.

Theo ThS Lý Bảo Toại, cần xây dựng cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp tại đơn vị, khi có được cơ cấu hạng mới có thể định hướng chọn cử người tham gia bồi dưỡng. Khi xây dựng cơ cấu hạng nên cân đối giữa các vị trí việc làm trong đơn vị, gắn vị trí việc làm phù hợp với nhiệm vụ của từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Ví dụ: Đối với giáo viên THPT hạng II, nên thiết lập cơ cấu là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên được quy hoạch các chức danh vừa nêu mới phù hợp với nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp đó. Tương tự, các hạng chức danh còn lại cũng theo cơ cấu phù hợp với nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng để khi viên chức được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp có thể thực hiện được nhiệm vụ đạt hiệu quả, ngược lại sẽ gây lãng phí.

Để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải là những viên chức có năng lực cao hơn, đáp ứng yêu cầu công việc chứ không chỉ đơn thuần là để thực hiện chính sách, do đó cần đảm bảo những yêu cầu được quy định, tiến hành thật sự dân chủ, công khai trong việc xét chọn cử viên chức đi bồi dưỡng.

Với những viên chức không đáp ứng tiêu chuẩn ở hạng cao hơn thì không tham gia thăng hạng, nhưng vẫn đảm bảo được tăng lương theo định kỳ và được hưởng lương vượt khung theo qui định. Như vậy, quyền lợi của giáo viên không bị ảnh hưởng. Trong trường hợp giáo viên muốn có thăng hạng thì phải đáp ứng các yêu cầu để vừa có quyền lợi, nhưng vừa phải có trách nhiệm cao hơn (với các tiêu chuẩn phải đảm bảo) để có trách nhiệm và cống hiến tốt hơn cho ngành khi ở hạng đó.

Nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Việc hướng dẫn rõ ràng cụ thể về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với cán bộ quản lý, giáo viên có ý nghĩa quan trọng, sau khi được bồi dưỡng sẽ vận dụng hiệu quả vào công việc, tạo động lực phấn đấu cho cá nhân, tạo sự phấn khởi, đầu tư sâu trong công việc.

Nhấn mạnh điều này, ông Lý Bảo Toại cho rằng, việc xây dựng cơ cấu hạng gắn với nhiệm vụ từng vị trí việc làm phải được thực hiện thống nhất trên nền tảng những quan điểm và phương pháp đúng đắn, khoa học, tạo động lực để cán bộ quản lý, giáo viên xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân; làm căn cứ để cơ quan quản lý vận dụng trong công tác quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm, bồi dưỡng; làm căn cứ để cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo xây dựng, đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng.

Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng

Với giải pháp này, theo ông Lý Bảo Toại, cần điều chỉnh cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp trong cơ sở giáo dục để nâng dần tỷ lệ đối với vị trí giáo viên, phân rõ giữa bồi dưỡng kiến thức theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp với bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Cùng với đó, đưa chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên để đội ngũ giáo viên tiếp cận rộng rãi nhằm tạo cơ hội cho giáo viên hạng thấp hơn tiếp cận với kỹ năng, nghiệp vụ thực tế, thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn.

Ngoài ra, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đưa vào chương trình đào tạo sinh viên ngành sư phạm để khi tốt nghiệp ra trường đội ngũ này đủ điều kiện để tham gia tuyển dụng và không phải tham gia bồi dưỡng lại mới đủ điều kiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng tương ứng với trình độ đào tạo.

Giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ nhà giáo tham gia các lớp bồi dưỡng, đồng thời khuyến khích, động viên giáo viên tham gia bồi dưỡng sẽ được xét bổ nhiệm hạng chức danh cao hơn nâng dần cơ cấu hạng cao nhiều hơn nhằm cải thiện mức sống của nhà giáo để họ toàn tâm toàn ý đầu tư vào công việc đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng.

“Chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo không chỉ là tạo hành lang pháp lý cho họat động nghề nghiệp mà còn là động lực thúc đẩy tính sáng tạo, nhiệt tình, có trách nhiệm của đội ngũ. Đầu tư thích đáng cho việc bồi dưỡng những giáo viên ưu tú thành người giỏi góp phần thực hiện tốt chính sách lựa chọn, bố trí, sử dụng và quản lý nhà giáo” - ông Lý Bảo Toại cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.