Cụ thể, dự thảo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông đưa ra 5 tiêu chuẩn với 15 tiêu chí. Các tiêu chuẩn gồm: Phẩm chất nghề nghiệp; Năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin; Năng lực nghiệp vụ sư phạm; Năng lực xây dựng, thực hiện môi trường giáo dục dân chủ; Năng lực xây dựng các quan hệ xã hội.
Mỗi giáo viên được đánh giá theo từng tiêu chí và đánh giá chung. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo các mức “Đạt”, “Khá”, “Tốt” và “Không đạt”. Căn cứ vào kết quả đánh giá từng tiêu chí, giáo viên sẽ được xếp loại đánh giá mức độ “Đạt”, “Khá”, “Tốt” hoặc “Không đạt”.
Theo định kỳ hằng năm, giáo viên tự rà soát, đánh giá theo Chuẩn vào mỗi cuối năm học để tự xác định mức độ đạt được theo Chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Định kỳ 3 năm/lần nhà trường tổ chức đánh giá giáo viên theo Chuẩn.
Mục đích ban hành Chuẩn nhằm giúp giáo viên tự đánh giá từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Làm cơ sở để nhà trường đánh giá, xếp loại năng lực nghề nghiệp giáo viên từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên thường xuyên, liên tục.
Làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên xây dựng các chương trình bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên cho giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của giáo viên phổ thông, giáo viên giáo dục thường xuyên và giáo viên các trường trực thuộc Bộ.
Xem chi tiết dự thảo TẠI ĐÂY