Chuyển động tích cực
Cho đến nay, số lượng sinh viên nữ tham gia các ngành học SETM khá hạn chế. Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, những ngành như ô tô, động lực, cơ khí rất ít sinh viên nữ. Có năm khoa Động lực chỉ có khoảng 10 nữ sinh viên. Theo thống kê của Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM, trong nhiều năm, tỷ lệ nữ học các ngành này luôn ở mức dưới 20%.
Việc nữ sinh viên né theo học các ngành STEM khá dễ hiểu vì định kiến giới vẫn cho rằng các ngành khoa học thường dành cho nam giới. Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm giáo dục STEM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, những định kiến đã cản trở phụ nữ theo học các ngành STEM, từ đó nữ sinh có cảm giác không thoải mái về môi trường học tập.
Ngoài ra, cách dạy các môn STEM như học thuộc lòng công thức hoặc làm bài tập lý thuyết khiến các em không hứng thú. Trong khi đó, sinh viên cần vào phòng thí nghiệm, trực tiếp thực hành, tham gia các hoạt động trải nghiệm và sáng tạo.
Nguyễn Thanh Tuyền, cựu sinh viên chuyên ngành Vật lý Tin học, khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM cho biết, 4 năm đại học, em luôn băn khoăn lo lắng về khả năng có được việc làm.
“Lúc đi học, em lo vì không biết sau này làm gì. Trong lớp tỷ lệ sinh viên nữ chỉ chiếm 20 - 30%. Con gái học ngành tự nhiên, máy móc nghe cũng thấy khô khan. Điều này khiến em lo lắng, không biết mình có chọn đúng ngành, lĩnh vực hay không? Sau này tốt nghiệp thì có nơi nào nhận mình vào làm việc đúng chuyên ngành đã học?”, Thanh Tuyền chia sẻ.
Tuy vậy, những năm gần đây con số sinh viên nữ theo học nhóm ngành STEM có nhiều chuyển biến tích cực. Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM, nhiều năm qua, tỷ lệ nữ học các ngành này luôn ở mức dưới 20%, thì gần đây, số lượng sinh viên nữ tăng lên 22%. Năm học 2022 - 2023, trong 40 cử nhân tốt nghiệp xuất sắc thì có tới 12 nữ sinh viên, tập trung vào các ngành như kỹ thuật hóa học, kỹ thuật địa chất và dầu khí, tài nguyên môi trường, công nghệ vật liệu, kỹ thuật xây dựng...
PGS.TS Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, ở khối ngành kỹ thuật như ô tô, động lực, cơ khí… có ít sinh viên nữ. Nhưng các nữ sinh viên của ngành này đều rất giỏi, thậm chí giỏi hơn cả các sinh viên nam nhờ khả năng quan sát, tỉ mỉ, cẩn thận, nắm bắt tâm lý, thuyết trình, làm việc nhóm, xây dựng kế hoạch, quản lý thời gian…
Nguyễn Thanh Tuyền, cựu sinh viên chuyên ngành Vật lý Tin học, khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM cho biết, do ít nữ sinh theo học ngành STEM nên nếu theo nhóm ngành này, nữ sinh có lợi thế trong tuyển dụng. Ngay khi tốt nghiệp, Tuyền đã có việc làm ở phòng dự án một tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam.
Nữ sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Ảnh: ĐHBK |
Làm gì để hút nữ sinh?
Để giúp các nữ sinh vượt qua rào cản định kiến giới của xã hội, trong kỳ tuyển sinh 2023, một số trường đại học đã hỗ trợ học phí cho các ngành STEM. Chẳng hạn, Trường ĐH Cần Thơ giảm 50% học phí năm thứ nhất cho nữ sinh trúng tuyển các ngành chương trình kỹ thuật: Cơ khí, điện, cơ điện tử, điều khiển và tự động hóa.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM giảm học phí cho nữ thí sinh trúng tuyển các ngành kỹ thuật. Trong đó có 10 ngành giảm 50%, 8 ngành giảm 25%. Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) giảm 30% học phí cho nữ thí sinh trúng tuyển năm ngành kỹ thuật.
PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cho biết, trường mong muốn tăng cường số lượng nữ giới trong các ngành STEM nhằm mang lại sự đa dạng và sáng tạo, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng môi trường công bằng, truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai và giúp phát triển sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu nữ giới.
Trường ĐH Bách khoa TPHCM thì lại có cách thu hút khác biệt. PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo cho biết, trong chương trình livestream tư vấn tuyển sinh, các trưởng ngành đã giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của nữ sinh và phụ huynh học sinh về các ngành STEM. “Không chỉ trong tư vấn tuyển sinh mà trong hoạt động nghiên cứu khoa học, trường luôn khuyến khích giảng viên nữ tham gia. Nhiều dự án hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học luôn yêu cầu phải có giảng viên nữ là thành viên chủ chốt của dự án”, PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho biết.
Một số trường đại học khác cũng cố gắng thu hút nữ sinh viên học các ngành STEM bằng cách tăng cường truyền thông như giới thiệu các hình mẫu nữ sinh thành đạt của trường đến học sinh THPT; thành lập các mô hình câu lạc bộ khoa học với sự tham gia của các nữ sinh viên khối ngành STEM...
Theo quan điểm của PGS.TS Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, trường đại học nên tăng cường trang bị thêm kỹ năng mềm cho nữ sinh viên; từ đó giúp các bạn thêm tự tin trong quá trình học tập và công việc sau này. Ngoài ra, trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng, các nữ ứng viên cần cho nhà tuyển dụng nhận thấy những điểm vượt trội để có cơ hội cạnh tranh tốt hơn. Sau khi ra trường, doanh nghiệp cũng phải tạo nên sự cân bằng, vì hiện có thực tế với cùng một vị trí việc làm, doanh nghiệp sẽ “ưu tiên” ứng viên nam hơn nữ.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng cho rằng, việc cân bằng tỉ lệ nữ trong học tập và làm việc ở khối ngành STEM cần được thực hiện liên tục, đồng bộ, từ việc thay đổi tư duy của gia đình và xã hội, cũng như những chính sách trong học tập và làm việc để thu hút nữ giới.
“Hiện nay tỷ lệ nữ giới tham gia học tập và làm việc trong các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực STEM còn rất ít. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ và Canada, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 34% trong số những người được tuyển dụng trong các ngành nghề STEM (số liệu năm 2019). Năm học 2020 - 2021, phụ nữ ở Anh chỉ chiếm 18,6% sinh viên theo học ngành kỹ thuật, công nghệ và chỉ 17,7% sinh viên theo học ngành điện toán…”. - TS Đỗ Thị Lan Đài, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Lạc Hồng