Giải pháp nào giải 'cơn khát' điện?

GD&TĐ - Những ngày qua, nhiệt độ ở tất cả các địa phương trên cả nước đều vượt ngưỡng 37 độ C, thậm chí có nơi lên 42 độ C vào những hôm nóng nhất.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trời càng nóng bức thì việc dùng điện càng nhiều. Ngành điện và chính quyền các địa phương kêu gọi toàn dân cũng như các cơ quan Nhà nước tăng cường tiết kiệm điện.

Có nơi như TPHCM thì đề nghị hạn chế mặc áo vest, đồ trang trọng khi đi làm để tiết kiệm điện! Dĩ nhiên, ai cũng hiểu là, khi mặc áo vest hoặc đồ trang trọng thì phải dùng máy lạnh, mà càng dùng máy lạnh ở nhiệt độ thấp bao nhiêu thì tốn điện bấy nhiêu!

Ở Đà Nẵng, chính quyền thành phố này yêu cầu công ty chiếu sáng tắt đèn ở những nơi không cần thiết và biển quảng cáo trên các phố cũng nên tắt trước 20 giờ hàng ngày.

Nghịch lý trong việc sử dụng điện là, càng nóng thì xài điện càng nhiều dù tốn kém không hề ít nếu tính tiền theo hệ số nhân mà ngành điện quy định. Để tăng sản lượng, các nhà máy thủy điện bắt đầu tăng cường mở van xả khiến nguy cơ thiếu nước ngọt trong những tháng tới ở hạ du là rất lớn.

Thành phố Đà Nẵng đã phát cảnh báo đối với các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Thu Bồn về vấn đề này. Hiện tại, tất cả các hồ chứa nước ở khu vực miền Trung đều ở mức nước chết mà mùa khô hạn thì mới bắt đầu, mùa mưa lũ thì còn lâu mới đến nên việc cạn kiệt các hồ chứa nước trong những tháng tới là điều chắc chắn.

Vì vậy, một mặt, các nhà máy thủy điện vừa không để khô hạn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân trong những tháng tới, vừa làm sao đó để duy trì nguồn phát điện ổn định, tránh tình trạng phải cắt điện luân phiên như từng xảy ra trước đây.

Cùng với việc nóng bức của thời tiết, tại nghị trường và trên các diễn đàn truyền thông những ngày qua cũng “nóng” không kém khi hàng loạt các nhà kinh tế, chuyên gia am hiểu về điện đã có những phân tích và đặt ra nhiều câu hỏi chung quanh các giải pháp cho việc thiếu điện.

Theo đó, câu hỏi được đặt ra là, khi nào thì 114 dự án điện tái tạo do Bộ Công Thương phê duyệt và 54 dự án riêng lẻ khác do UBND các tỉnh đề nghị, sẽ được phê duyệt để vận hành hòa vào lưới điện quốc gia nhằm giảm áp lực thiếu điện cho ngành điện hiện nay?

Tất nhiên, một mặt các doanh nghiệp đầu tư điện tái tạo phải hoàn thành các thủ tục quy định và đàm phán giá với ngành điện sao cho “hợp lý”, cơ quan chức năng cũng cần phải tháo gỡ những vướng mắc bất hợp lý để sớm đưa các nhà máy điện năng lượng tái tạo vào vận hành, không thể để lãng phí hàng trăm ngàn tỉ phơi nắng, phơi mưa mấy năm nay khiến nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản.

Một mùa khô hạn đang diễn ra vô cùng khốc liệt. Ngành điện cũng đang đứng trước những khó khăn cần phải vượt qua. Bên cạnh việc hô hào tiết kiệm điện trong toàn dân, ngành điện cũng cần sớm điều chỉnh những quy định sao cho hợp lý và thống nhất, như việc “tạm dừng mua điện áp mái nhà” chẳng hạn khiến hàng vạn gia đình có điện áp mái nhà bị “việt vị” nên việc thiếu điện lại càng thêm thiếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ