Đề xuất bổ sung giá điện vào danh mục bình ổn giá

GD&TĐ - Nhiều ĐBQH đề nghị bổ sung giá điện vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Sáng 24/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Giá (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) cho hay, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), gồm 10 loại hàng hóa, dịch vụ, nhưng không có giá điện.

Đại biểu Đoàn Yên Bái viện dẫn, trong dự thảo luật hiện nay, giá điện đang quy định tại Phụ lục 2 danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá.

“Tôi cho rằng nên bổ sung giá điện vào phụ lục về danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá (Phụ lục 1)", đại biểu Nguyễn Quốc Luận nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái.

Theo đại biểu, đây là thứ hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này thay đổi thường xuyên theo xu hướng chỉ có tăng mà không có giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá điện vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

“Vì vậy, loại hàng hóa này cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp nhằm ổn định giá và đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì hợp lý hơn”, đại biểu Nguyễn Quốc Luận nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho hay, danh mục bình ổn giá có 10 danh mục, định giá có 42 danh mục. Lúc trước có 11 danh mục bình ổn giá, trong đó có danh mục điện.

“Tuy nhiên, hiện danh mục điện đưa qua diện định giá của Nhà nước, tôi rất thống nhất. Định giá Nhà nước hiện nay là Nhà nước đã định giá điện. Tuy nhiên, Nhà nước định giá điện nhưng Nhà nước vẫn còn bao cấp, vậy tại sao chúng ta không đưa vào Quỹ bình ổn giá như bình ổn giá xăng, dầu”, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Đoàn Đồng Tháp cho rằng, giá điện đưa vào Quỹ bình ổn giá sẽ phù hợp hơn tại, vì hiện 100% người dân đều tiêu thụ điện, đều phải trả tiền điện nhiều hơn xăng, dầu. Bởi thực tế, có người sử dụng xăng, dầu, có người không sử dụng. Nhà nước định giá điện mà vẫn còn bao cấp thì không đúng bản chất của ngành điện.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Quốc hội xem xét đưa ngành điện trở lại Quỹ bình ổn giá cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Trao đổi về việc tại sao không đưa giá điện vào danh mục bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, giá điện đã đưa vào danh mục Nhà nước định giá rồi nên không đưa vào danh mục bình ổn giá nữa.

Nhà nước định giá sẽ có lợi cho người tiêu dùng, tức là có lợi cho người dân, vì nhiều lý do.

Thứ nhất, hiện nay nguồn lực phải đảm bảo, ngân sách đang còn hạn hẹp.

Doanh nghiệp sản xuất điện chủ yếu là Tập đoàn EVN. Đây là tập đoàn của Nhà nước chiếm trên 50%.

Thứ hai, nếu hỗ trợ bằng ngân sách thì phải sửa Luật Ngân sách để phù hợp. “Cho nên chúng tôi xin chưa tiếp thu ý kiến này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ