(GD&TĐ) - Gần đây, các nhà ngữ học ngày càng quan tâm nhiều hơn đến ngữ học xã hội (ngữ dụng học), đúng nghĩa là ngôn ngữ như nó được sử dụng thật sự trong những tình huống xã hội khác nhau. Họ không còn nghiên cứu những biến thể (hay “dị dạng”, “lệch chuẩn”) từ một ngôn ngữ “chuẩn”: họ nhìn ngôn ngữ như một hỗn hợp của mọi biến thể mà bản thân chúng đang tiến hoá thường xuyên với thời gian, trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó. Do đó ngôn ngữ trở nên rất phức tạp và luôn ‘biến động’ theo thời gian.
Một ngôn ngữ ngoài những biến thể địa phương (các phương ngữ), còn gồm những cấp độ khác nhau tuỳ theo kiểu tình huống trải, chẳng hạn như:
* Ngôn ngữ thông thường, mà người ta nói giữa bạn bè, người thân, dùng trong giao tiếp bình thường…
* Văn ngôn, vốn có thể mang hình thức rất văn chương hoặc có thể ghi lại ngôn ngữ thông thường (tuỳ theo thể loại)
* Ngôn ngữ thi ca (chau chuốt, bóng bẩy, có nhạc tính, có nhiều phép tu từ văn thể…)
* Ngôn ngữ trang trọng (kính ngữ) dùng trong những tình huống long trọng.
* Tiếng lóng (của giang hồ, giới chơi cờ bạc, xì ke ma tuý…)
* Tthuật ngữ kĩ thuật, nghề nghiệp
* Những vay mượn từ các ngôn ngữ khác
* Những lối nói giễu nhại, mỉa mai, nói lái, hài hước.
Mọi ngôn ngữ đều có những biến thể địa phương và những cấp độ ngôn ngữ của nó. Các thành viên của cộng đồng nói ngôn ngữ đó đều có thể hưởng dụng tất cả sự phong phú đa dạng kia để diễn đạt đúng những gì mình muốn nói, ở khắp nơi, ở mọi lứa tuổi, và trong tất cả mọi tình huống của đời sống.
Ảnh mang tính minh họa/ internet |
Vì thế ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) - ngôn ngữ đặc thù của người khiếm thính – cũng nằm trong quy luật đó. Nó cũng có những ‘biến thể địa phương’, có những cấp độ khác nhau trong những tình huống sử dụng – với những nét đặc thù của nó.
Sau khi thành lập trường dạy trẻ điếc (1775) ở Paris, Charles Michel de L’ Epee (1712-1789) đã xuất bản tác phẩm đầu tiên: “Định chế của những người câm điếc” trong đó ông khai triển hệ thống mà ông gọi là “Những kí hiệu có phương pháp (le systeme des signes methodiques) về NNKH Pháp’(1776) tạo cơ sở cho việc nghiên cứu về NNKH các nước châu Âu và Hoa Kỳ sau này. Sang thế kỷ 19, khi trường Đại học Gallaudet, trường đại học đầu tiên và duy nhất cho người Điếc được thành lập tại Washington (Hoa Kỳ) vào năm 1864, NNKH càng được quan tâm, nghiên cứu chuyên sâu hơn. Tuy nhiên ở những nước này, giới nghiên cứu vẫn chỉ đưa ra những quy luật chuẩn của loại hình ngôn ngữ này, chứ không hề «quy định» một hệ thống ký hiệu thống nhất cho cộng đồng khiếm thính của đất nước họ. Các quy luật đó tập trung vào cơ sở hình thành 1 ký hiệu (từ) và cách gắn kết các ký hiệu để diễn đạt ý (câu) trên cơ sở tư duy đặc thù của người khiếm thính.
Do đó hiện nay các tỉnh ở Pháp ký hiệu khác nhiều so với Paris, hay dù cùng cộng đồng tiếng Pháp nhưng ký hiệu ngôn ngữ của Bỉ không giống ký hiệu ngôn ngữ của Pháp; ký hiệu ngôn ngữ ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ trong Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng không giống nhau hoàn toàn, …Và điều đó không tạo ra rào cản nào trong giao tiếp trong cộng đồng khiếm thính, bởi nhờ có những «quy luật chuẩn» nên các ký hiệu cứ vẫn vận động và phát triển, người khiếm thính dù ở địa phương nào sau 1 hồi giao tiếp với nhau họ đều có thể hiểu được nội dung truyền đạt của nhau (tất nhiên không thể bỏ qua yếu tố trình độ nhận thức của mỗi cá nhân).
Như vậy, ở Việt Nam chúng ta đừng nên cố gắng xây dựng cho mình một hệ thống ký hiệu ngôn ngữ thống nhất chung trong cả nước để tạo « tiếng nói chung» cho cộng đồng khiếm thính Việt Nam, buộc người khiếm thính vùng miền này phải bỏ ký hiệu của họ để làm đúng theo ký hiệu «chuẩn» của vùng miền kia. Công việc đó đã tạo nên sự mệt mỏi trong suốt gần 20 năm, các dự án liên tục thực hiện, nhưng rồi chỉ thống nhất khoảng hơn 600 từ (bộ Từ điển NNKH của người điếc Việt Nam – Viện KHGD Việt Nam, 2003), nhiều cuộc tọa đàm tranh cãi không hồi kết thúc về nên hay không nên thống nhất NNKH, rồi mọi thứ vẫn như cũ, …chưa kể đến hậu quả là sự mất đoàn kết trong cộng đồng người khiếm thính bởi ‘không ai chịu ai’.
Nên chăng: điều chúng ta cần làm là nghiên cứu cách xây dựng ngôn ngữ ký hiệu của các nước trên thế giới, tìm ra những «quy luật chuẩn» - đấy mới là «tiếng nói chung » đích thực của người khiếm thính - để phổ biến cho cộng đồng khiếm thính, cho sinh viên GDĐB và những người đang yêu thích học NNKH để trực tiếp làm việc với những người khiếm thính. Những từ khóa trong định chuẩn này sẽ là cơ sở để họ phát triển nguồn ký hiệu phong phú, đảm bảo được cái gốc (điểm thống nhất) để vùng miền nào cũng có thể «suy luận» để hiểu ý nghĩa của ký hiệu mới khi giao tiếp và sau đó có thể bổ sung vào vốn ký hiệu của vùng mình nếu họ thấy cần thiết.
Và vấn đề quan trọng là những công trình nghiên cứu này phải được thừa nhận và được quy định như một yêu cầu chung trong giáo dục phổ thông toàn quốc – có như vậy dần dần chúng mới được phổ biến sâu rộng và trở thành nền tảng của NNKH Việt Nam. Có như vậy, phần «thuyết minh» bằng NNKH trên các kênh truyền hình mới thực sự hiệu quả vì sẽ được nhiều người khiếm thính «hiểu», giúp họ phát triển nhận thức. Có như vậy, người khiếm thính Việt Nam sẽ hòa hợp cộng đồng khiếm thính, tạo nên một sức mạnh về mọi mặt để dễ dàng hòa nhập vào cộng đồng chung.
Cao Thị Xuân Mỹ
(TS, Giảng viên Khoa GDĐB trường ĐHSP Tp.HCM)