Nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ hết sức cấp bách, đặc biệt quan trọng hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Năng lực của đội ngũ giáo viên đang đứng trước thách thức thực hiện đổi mới
TS. Phạm Thị Kim Anh – Viện Nghiên cứu sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhìn nhận: Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, và là vấn đề then chốt của mọi sự cải cách, đổi mới giáo dục.
Bất kể thời đại nào, không có thầy giỏi cả về năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm thì khó có thể có một nền giáo dục có chất lượng. Nhưng nhìn vào thực tế hiện nay, năng lực dạy học, giảng dạy của đội ngũ giáo viên phổ thông đang là vấn đề đáng lo ngại trước yêu cầu đổi mới giáo dục.
Nếu chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai trong thời gian tới với định hướng và yêu cầu chuyển từ trang bị nội dung kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học bằng việc dạy học tích hợp và lồng ghép, dạy học phân hóa, trải nghiệm…thì năng lực của đội ngũ giáo viên phổ thông đang đứng trước những thách thức mới.
Vậy nên, làm thế nào để phát triển và nâng cao năng lực dạy học, giảng dạy cho giáo viên phổ thông đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới đang là bài toán đặt ra cho các nhà quản lý, trong đó có vai trò của các trường sư phạm.
Chia sẻ giải pháp với các trường sư phạm về nội dung thực hiện bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên phổ thông, TS. Phạm Thị Kim Anh, cho hay: Nội dung bồi dưỡng giáo viên được quyết định bởi những khó khăn và nhu cầu thực tế của từng giáo viên trong dạy học bộ môn.
Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn cũng như yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông đang diễn ra, việc bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho giáo viên cần tập trung vào 3 mảng vấn đề cơ bản: Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn liên quan đến giảng dạy môn học do giáo viên phục trách, trong đó bao gồm cả năng lực nghiên cứu khoa học. Bồi dưỡng năng lực dạy học và năng lực giảng dạy cho giáo viên (năng lực nghiệp vụ sư phạm). Bồi dưỡng phát triển các giá trị, đạo đức nghề nghiệp (phẩm chất đạo đức).
Hoạt động bồi dưỡng giáo viên cần được thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có những hình thức bồi dưỡng trực tiếp mang tính tổ chức chính quy như: tham dự các khóa học, khóa tập huấn bồi dưỡng, hội thảo khoa học…và những hình thức mang tính chất gián tiếp như: bồi dưỡng từ xa qua mạng internet, tài liệu hướng dẫn; hay bồi dưỡng cá nhân dưới sự hướng dẫn, tư vấn của giảng viên sư phạm.
Định hướng mô hình hình thành và phát triển năng lực nghề nghiệp cho nhà giáo
Trao đổi về mô hình đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực nghề nghiệp của nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, TS. Nguyễn Khải Hoàn – Trường ĐH Tân Trào, chia sẻ: Ngày nay, triết lý đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã thay đổi, theo đó, nhà giáo phải trở thành: nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, người học suốt đời, nhà văn hóa-xã hội.
Thực tiễn cho thấy chức năng nghề nghiệp của nhà giáo đã trở nên rộng hơn, trong đó, hệ thống năng lực nghề nghiệp phải được xác định một cách rõ rang, tường minh và phải thường xuyên được cập nhật, bổ sung. Chính vì vậy, việc xác định rõ mô hình, phương thức, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực nghề nghiệp nhà giáo trong các cơ sở đào tạo giáo viên đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Dựa trên mô hình năng lực nghề nghiệp nhà giáo gồm: năng lực trí tuệ nghề nghiệp, năng lực hành nghề, năng lực thực thi đạo đức nghề nghiệp, năng lực thực thi văn hóa nghề nghiệp; TS Nguyễn Khải Hoàn cho rằng:
Cần hình thành và phát triển năng lực trí tuệ nghề nghiệp nhà giáo theo hướng tích hợp liên môn, xuyên môn: tri thức môn học và hoạt động giáo dục ngoài môn học, tri thức về con người và sự phát triển người học (sinh lý học, tâm lý học, giáo dục học, xã hội học), tri thức về thông tin, môi trường và điều kiện giáo dục, tri thức về phương pháp, phương tiện, công nghệ dạy học.
Đối với phát triển năng lực hành nghề hay thực chất là phát triển các kỹ năng nghề nghiệp: kỹ năng nghiên cứu người học và việc học; kỹ năng lãnh đạo và quản lý người học, việc học; kỹ năng thiết kế dạy học và hoạt động giáo dục; kỹ năng dạy học và tác động giáo dục trực tiếp.
Chú trọng nâng cao năng lực thực thi đào đức nghề nghiệp trong suốt quá trình học tập và trải nghiệm: tình cảm và ứng xử đạo đức đối với người học; quan hệ đạo đức với đồng nghiệp và với nghề; quan hệ ứng xử đạo đức với cộng đồng và gia đình; đạo đức trong thực hiện nhiệm vụ.
Bồi dưỡng và phát triển năng lực thực thi văn hóa nghề nghệp cần tập trung vào các nội dung: bồi dưỡng và phát triển phong cách cách cá nhân và phong cách sư phạm, học tập thường xuyên và gương mẫu, nhận thức văn hóa- xã hội, kỹ năng xã hội.
“Để có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trước hết các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần phải xác định rõ mô hình năng lực của nhà giáo hiện đại. Từ đó, điều chỉnh và phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp nhà giáo theo hướng tích hợp liên môn, xuyên môn. Xây dựng các mô hình đun học tập lý thuyết, thực hành để rèn luyện và nâng cao các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xã hội. Những điều này phải được cụ thể hóa trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp của nhà giáo phải gắn kết chặt chẽ với mô hình năng lực nghề nghiệp của nhà giáo hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển”, TS Nguyễn Khải Hoàn nhấn mạnh.