Trên cơ sở đó, Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục” - ThS Nguyễn Thanh Hà - Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) đã đề xuất 3 giải pháp quan trọng nhằm thực hiện tốt một số biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng nhằm phát triển năng lực cho cán bộ quản lý đào tạo ở các trường đại học trong quân đội hiện nay.
Một là, phát huy trách nhiệm, đề cao vai trò của chủ thể quản lý các cấp và các lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục nói chung, cán bộ quản lý đào tạo nói riêng.
Trước hết, phát huy vai trò trách nhiệm của các chủ thể quản lý nhà trường trong thực hiện quy trình, chương trình, kế hoạch, nội dung bồi dưỡng; quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả.
Gắn đổi mới nội dung chương trình với đổi mới phương pháp bồi dưỡng; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tham gia vào quá trình bồi dưỡng, nhất là hệ thống tri thức về quản lý và nghiệp vụ chuyên môn, phong cách, phương pháp sư phạm; cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại.
Có kế hoạch cụ thể trong việc tập huấn, phân công, sử dụng lực lượng trực tiếp tham gia bồi dưỡng cán bộ quản lý đào tạo. Vận dụng linh hoạt các phương thức, cách thức bồi dưỡng cho phù hợp với từng trường, từng cơ quan chức năng, song cần quan tâm đến bồi dưỡng tại chỗ, truyền thụ kinh nghiệm, cấp trên trực tiếp bồi dưỡng cho cấp dưới.
Cấp ủy đảng, người chủ trì ở các cơ quan chức năng quản lý giáo dục, đào tạo nhà trường cần chủ động, tích cực trong việc xác lập chương trình, nội dung bồi dưỡng của cơ quan mình cho sát từng đối tượng; gắn bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp tác phong công tác với bồi dưỡng quan điểm, lập trường, thái độ và động cơ phấn đấu nhằm không ngừng nâng cao năng lực, trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý đào tạo trước yêu cầu nhiệm vụ, chức trách được giao.
Hai là, từng bước hoàn thiện nội dung, chương trình bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý đào tạo
Từng bước hoàn thiện nội dung, chương trình bồi dưỡng cho phù hợp, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và hiện đại; thường xuyên cập nhật, bổ sung những kiến thức mới về khoa hoc quản lý và quản lý giáo dục. Gắn chặt giữa đổi mới chương trình, nội dung và đổi mới các hình thức, phương pháp bồi dưỡng, nhằm phát huy tính tự chủ, tính tích cực; phát triển tư duy độc lập sáng tạo của cán bộ.
Các cơ quan chức năng quản lý giáo dục, đào tạo phải bám sát vào tình hình thưc tiễn và xu thế phát triển mới của yêu cầu, nhiệm vụ, gắn với những đòi hỏi về những năng lực cần có của cán bộ để hoàn thiện nội dung cần bồi dưỡng cho phù hợp; chú trọng các nội dung thực hành, thực tập trên từng cương vị chức trách.
Thông qua hoạt động bồi dưỡng thực tế để đúc rút kinh nghiệm, bổ sung, xây dựng các tiêu chí chuẩn năng lực của cán bộ quản lý đào tạo.
Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý đào tạo
Tùy theo tình hình cụ thể mỗi nhà trường, mỗi cơ quan, mỗi đối tượng cụ thể để vận dụng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp.
Ngoài các hình thức lên lớp cơ bản để truyền đạt lý thuyết, cách thức thực hành, cần mời các chuyên gia đầu ngành, có uy tín để trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, cách thức lãnh đạo, chỉ huy, quản lý; những kỹ năng giải quyết từng tình huống cụ thể, công việc cụ thể trong quản lý các hoạt động giáo dục, đào tạo.
Kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng trực tiếp và bồi dưỡng trực tuyến giúp cán bộ tự bồi dưỡng thông qua sử dụng công nghệ thông tin do cơ quan cấp trên và cơ quan thuộc nhà trường tổ chức.
Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho cán bộ quản lý đào tạo thông qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ theo chức trách được phân công; thông qua thực tập; thực tế; các buổi giao ban phản ánh tình hình hàng tuần về thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.
Duy trì tốt nền nếp chế độ tự học tập, tự nghiên cứu; đồng thời tổ chức cho cán bộ quản lý đào tạo đi tham quan để trao đổi học tập kinh nghiệm các trường đại học hệ thống giáo dục quốc dân.
"Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý đào tạo ở các trường đại học trong quân đội có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết, đòi hỏi chủ thể quản lý nhà trường và các cơ quan chức năng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành thường xuyên. Trong đó, cần chú trọng lựa chọn những nội dung bồi dưỡng phù hợp, thiết thực và tuân thủ chặt chẽ quy trình bồi dưỡng; đồng thời thường xuyên đề ra các cách thức, biện pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, phát triển năng lực cho cán bộ quản lý đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay" - ThS Nguyễn Thanh Hà.