Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo giáo dục đại học

Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo giáo dục đại học
(GD&TĐ) - Tình trạng tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ không đạt chỉ tiêu; Hiệu quả đào tạo, sự mất cân đối về ngành nghề; Vấn đề việc làm của SV tốt nghiệp ra trường... đã được cử tri đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Niềm vui tân cử nhân. Ảnh: gdtd.vn
Rạng rỡ tân cử nhân ngày tốt nghiệp. Ảnh: gdtd.vn
Cử tri hỏi:
Hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng các trường đại học, cao đẳng (cơ sở giáo dục đại học) được thành lập nhưng tuyển sinh không đạt; đào tạo không hiệu quả, mất cân đối đào tạo về ngành nghề; tỷ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc làm ngày càng cao. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng này?
Bộ trưởng trả lời:
Về tình trạng tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng không đạt chỉ tiêu
Theo quy định hiện hành, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh là do Giám đốc/Hiệu trưởng các đại học, trường đại học, cao đẳng tự quyết định dựa trên tiêu chí do Bộ GD&ĐT quy định (hiện có 2 tiêu chí là: số sinh viên, học sinh quy đổi tính trên 1 giảng viên và diện tích sàn xây dựng trên 1 sinh viên, học sinh quy đổi). Việc đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành/trường đào tạo là do học sinh tự quyết định.
Thực tế hiện nay, ở một số trường đại học, cao đẳng, một số ngành tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Để góp phần khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện các giải pháp:
- Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong cả nước. Chỉ đạo chặt chẽ việc cho phép mở ngành, thành lập các trường đại học, cao đẳng mới, bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định của pháp luật, phù hợp Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
Trong đó, đối với các ngành cần khuyến khích đã mở rộng khối thi và xét tuyển đối với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội (Bổ sung khối D đối với nhiều ngành trước đây chỉ thi tuyển khối C); Tuyển thẳng các học sinh giỏi đạt giải quốc gia, Olympic vào các ngành học thuộc khối khoa học xã hội; Phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu để bổ sung chính sách đối với các ngành học khoa học cơ bản, khoa học xã hộ i- nhân văn, năng lượng hạt nhân, như: miễn giảm học phí, cấp học bổng cao, khuyến khích học tập,… các chính sách thu hút, đãi ngộ những sinh viên tốt nghiệp các ngành học này.
- Kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực để có kế hoạch định hướng các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ngành đào tạo cho phù hợp nhu cầu nhân lực của các địa phương và các Bộ, ngành. 
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo thực hiện tốt chủ trương tự chủ trong tuyển sinh và đào tạo, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời phải rà soát, điều chỉnh quy mô và ngành nghề đào tạo cho phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương và nhu cầu xã hội. 
- Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông để hỗ trợ công tác tư vấn tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, đồng thời giúp cho người học có cơ sở lựa chọn những ngành nghề có khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. 
Vấn đề về hiệu quả đào tạo, mất cân đối về ngành nghề
Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp đồng bộ nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả đào tạo chưa cao, sinh viên tốt nghiệp ra trường còn nhiều hạn chế về kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, năng lực ngoại ngữ và hoạt động xã hội, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội.  
Đa số các trường đại học, cao đẳng chỉ đào tạo theo thế mạnh của trường, trong kho đó phần lớn các đơn vị sử dụng lao động không có kế hoạch nhân lực dài hạn, chưa có thói quen hợp tác với các trường để đặt hàng đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động của mình. Người học có xu hướng theo học các ngành mà sau khi ra trường có thu nhập cao, dễ tìm được việc làm (Kế toán, Tài chính Ngân hàng...), dẫn tới việc số lượng sinh viên theo học các ngành này tăng nhanh, vượt quá nhu cầu thực tế của xã hội, gây nên tình trạng mất cân đối ngành, nghề đào tạo.
Để từng bước khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp: 
- Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện Luật giáo dục đại học.
- Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng rà soát chương trình đào tạo về tên ngành, mục tiêu đào tạo, yêu cầu chuẩn kiến thức/kỹ năng/thái độ, vị trí làm việc sau tốt nghiệp, khối lượng kiến thức, tỷ lệ phân bổ thời gian giữa lý thuyết và thực hành,... để đảm bảo cập nhật tri thức mới, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và đảm bảo tính liên thông trong đào tạo. 
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các trường đại học, cao đẳng trong việc thực hiện quy trình mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng; Các điều kiện đảm bảo chất lượng (về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện giáo trình...); Xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội; Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học; Thực hiện 3 công khai (công khai cam kết chất lượng đào tạo và chất lượng thực tế của cơ sở đào tạo; công khai nguồn lực phục vụ đào tạo; công khai thu chi tài chính) nhằm tạo cơ chế giám sát xã hội về chất lượng đào tạo và động lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. 
- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, tuyển sinh, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên, việc đầu tư cơ sở vật chất và kiên quyết xử lý đối với các cơ sở đào tạo không thực hiện đúng các quy định.
Vấn đề về việc làm của sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Thực tế hiện nay có một số lượng không nhỏ sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm hoặc làm việc không theo đúng ngành được đào tạo. Nguyên nhân cơ bản của vấn đề này là: 
Về khách quan: Xét từ góc độ nơi sử dụng lao động, từ khi đất nước tiến hành đổi mới, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng (cũng như nguồn lao động) không chỉ làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp của nhà nước, mà làm việc ở tất cả các cơ sở thuộc 5 thành phần kinh tế; Xét từ góc độ nguồn cung ứng nhân lực, tham gia cung cấp sinh viên tốt nghiệp cho thị trường lao động không chỉ có các trường công lập, mà còn có các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài. 
Hiện nay, theo Luật giáo dục đại học đã có hiệu lực, các cơ sở đào tạo được tự chủ, trong đó có tự chủ về công tác tuyển sinh. 
Về chủ quan: Các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo chưa quan hệ chặt với thị trường lao động chưa nắm bắt được nhu cầu nhân lực; Việc đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành/trường đào tạo là do học sinh tự quyết định, tuy nhiên lại thiếu thông tin dự báo nguồn nhân lực, thông tin về thị trường lao động…; Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương chưa sát thực; Năng lực học tập của một số học sinh thấp, chất lượng chưa cao.
Trong tình hình suy thoái kinh kế toàn cầu và khu vực cùng khó khăn của nền kinh tế trong nước, tình hình sinh viên tìm việc làm càng khó khăn hơn. 
Để góp phần khắc phục tình trạng này, ngày 19/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 làm căn cứ để các Bộ,  ngành và địa phương xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân của bộ, ngành và địa phương.
Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai một số giải pháp sau:
- Thành lập Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực để điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực, tăng cường sự phối hợp gắn kết giữa các cơ sở đào đạo với các đơn vị sử dụng lao động.
- Xem xét đánh giá lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong cả nước để đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh một số chỉ tiêu, mục tiêu của Quy hoạch mạng lưới đến năm 2020 cho phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, định hướng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực của các địa phương.
- Nghiên cứu, triển khai Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011-2020. Khuyến khích các địa phương ban hành các chính sách riêng nhằm thu hút nhà giáo, chuyên gia giỏi về công tác tại ngành giáo dục của địa phương; Thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí, đồng thời nghiên cứu đề xuất chế độ học bổng cao cho sinh viên các trường sư phạm;
- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực. Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã thông báo tình hình đào tạo các ngành nghề và điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có ngành sư phạm; tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” (như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán…), đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này.
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo rà soát, điều chỉnh quy mô và ngành nghề đào tạo cho phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương và nhu cầu xã hội.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông để hỗ trợ công tác tư vấn tuyển sinh của các trường đại học cao đẳng, giúp cho người học có cơ sở lựa chọn những ngành nghề có khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. 
Vừa qua, nhiều cử tri đã bày tỏ sự quan tâm cũng như đặt ra những câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về các vấn đề nóng trong lĩnh vực giáo dục. Với tinh thần cầu thị, không né tránh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trực tiếp và thẳng thắn giải đáp. Báo Giáo dục & Thời đại Giáo dục và Thời đại điện tử (gdtd.vn) trân trọng đăng tải một số câu trả lời của Bộ trưởng với cử tri.

PV ghi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ