Giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh vùng khó

GD&TĐ - Theo cô Phạm Thị Thanh Thùy – giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để nâng cao chất lượng giáo viên vùng khó, trước hết cần thực hiện tốt những giải pháp từ bên trong bản thân giáo viên.

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh vùng khó

Giáo viên – tác nhân quan trọng trong dạy và học

Người giáo viên nói riêng, người làm công tác khoa học nói chung cần làm quen để tiến đến thành thạo với công việc nghiên cứu khoa học thì mới có khả năng tiến bộ được trong nghề của mình. Từ đó hình thành trong người giáo viên ý thức chủ động tự học, tự nghiên cứu và có kế hoạch thời gian cho việc kiểm tra , đánh giá kết quả tự nghiên cứu của mình.

Theo cô Thùy Trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo, người thầy đóng vai trò quan trọng nhất bởi họ có thể là tác nhân thúc đẩy, cũng có thể là rào cản ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy tại vùng khó.

Theo thông tin từ đại diện các sở GD-ĐT, đội ngũ giáo viên bám trụ các vùng khó khăn đa phần giáo viên trẻ, nhiệt tình, tích cực trong công tác giảng dạy, nhưng trình độ đào tạo của họ chưa cao. Một số giáo viên thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy, khả năng tiếp thu, vận dụng phương pháp dạy học mới còn chậm bởi sau khi tốt nghiệp họ chưa có cơ hội được cọ sát với những phương pháp tiên tiến.

Giáo viên ngoại ngữ vùng khó chưa được tiếp xúc với trang thiết bị hiện đại, chưa có điều kiện học hỏi, sử dụng các phương tiện tiên tiến trong giờ dạy học của mình. Do vậy, trình độ sư phạm, phương pháp giảng dạy rơi vào tình trạng dạy theo lối mòn. Tư duy cũ không còn phù hợp với cách dạy và học hiện đại ngày nay.

“Chính vì vậy, hơn ai hết, người giáo viên phải hiểu được điểm hạn chế của mình mà không ngừng trau dồi, nâng cao năng lực. Theo nghiên cứu của tiến sỹ Dudzick (2008), người giáo viên cần 5 yếu tố: Một là, nâng cao năng lực kiến thức về môn học và khung chương trình; Hai là, kiến thức về phương pháp giảng dạy; Ba là, kiến thức về người học; Bốn là giá trị, thái độ nghề nghiệp trong việc giảng dạy ngôn ngữ; Năm là, học hỏi từ thực tế, phù hợp với bối cảnh” – cô Thùy trao đổi.

Cũng theo cô Thùy, để nâng cao kiến thức về môn ngoại ngữ và khung chương trình, người giáo viên cần đọc thêm tài liệu về môn học. Tham gia các cuộc hội thảo là một cách hữu hiệu.

Qua các cuộc hội thảo, người giáo viên không chỉ được cập nhật các kiến thức về ngoại ngữ, phương pháp tiên tiến, các tiếp cận mới... mà còn làm tăng mạng lưới những người cùng nghề để từ đó có thể trao đổi những thông tin một cách dễ dàng hơn (thông qua điện thoại, mạng xã hội) mỗi khi cần trao đổi.

Giáo viên nên chủ động nghiên cứu

Cô Thùy cho biết thêm: Giáo viên nên chủ động nghiên cứu. Không nên hiểu việc “nghiên cứu” ở đây mang tính hàn lâm, to tát như những dự án tốn tiền mà chỉ cần hiểu một cách đơn giản là giáo viên quan sát các lớp học mình dạy, miêu tả lại những điều mình thấy hàng ngày, sau đó xâu chuỗi lại thành các đặc điểm tại nơi mình dạy.

Những điều đơn giản này chính là một hoạt động nghiên cứu (research) để từ việc hiểu được bối cảnh, người giáo viên có những hành động (action) nhằm làm cho bối cảnh giảng dạy đó tốt hơn. Sau đó chia sẻ những điều mình làm được cho các bạn đồng nghiệp để cùng nhân rộng sự thành công ở những vùng khó khăn trong việc dạy ngoại ngữ.

“Để làm được những thay đổi này, hơn ai hết, người giáo viên phải hiểu được giá trị nghề nghiệp của mình từ đó có thái độ tích cực trong việc giảng dạy ngoại ngữ. Tổ chức học tập theo lớp có người giảng, người học, mà áp dụng hình thức tự học, tự nghiên cứu” – cô Thùy trao đổi.

Bài viết được lượng ghi từ báo cáo tham luận của cô Phạm Thị Thanh Thùy tại Hội thảo tập huấn nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh giáo dục trung học vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.