Nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng
Tại cuộc họp do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì với các bộ, ngành, địa phương về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ: “Hiện tượng ô nhiễm không khí kéo dài tại Hà Nội và các tỉnh lân cận là trong khoảng thời gian từ 1/11 - 15/12 có đến 32/45 ngày (71%).
Ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của bụi PM2.5 tại các trạm ở Hà Nội vượt quy chuẩn từ 2 - 3 lần. Chỉ số AQI giờ (đánh giá chất lượng không khí tức thời) cho thấy tỉ lệ số giờ ở mức kém đến mức rất xấu chiếm tỷ lệ khá lớn, lên đến 49,34%. Đã ghi nhận trong một vài giờ, AQI giờ ở mức nguy hại (AQI >300) tại trạm Đại sứ quán Pháp và Đại sứ quán Mỹ”.
So sánh kết quả quan trắc nồng độ bụi PM2.5 các tháng từ 2013 – 2019 cho thấy, tháng 9 đến giữa tháng 12/2019, nồng độ bụi PM2.5 tăng mạnh so với trước đó. Tăng cao so với cùng kỳ các năm từ 2015 - 2018. Xu hướng biến động của bụi PM2.5 tại các thành phố phía bắc Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.
Mùa đông, có gió mùa Đông Bắc cùng khí hậu khô hanh, lạnh, áp suất cao, khiến cho nồng độ bụi PM2.5 trong không khí cũng sẽ bị tăng cao. Ngược lại, trong mùa hè, các tỉnh thành phía bắc chịu tác động của gió Tây Nam và Đông Nam, thêm vào đó, những cơn mưa rào thường xuyên rửa trôi bụi bẩn trong không khí. Chính vì vậy, nồng độ bụi PM2.5 trong mùa hè giảm nhiều so với mùa đông.
Thông thường nồng độ bụi PM2.5 tăng cao rõ rệt vào từ 7 - 8 giờ sang và chiều từ 18 - 19 giờ. Giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa và ban đêm. Tuy nhiên, trong những ngày xảy ra ô nhiễm không khí thì khoảng thời gian ghi nhận giá trị AQI tăng, duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm, do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết (lặng gió, độ ẩm thấp kết hợp với nghịch nhiệt). Sau đó, khi nhiệt độ trong ngày bắt đầu tăng, AQI giảm dần và thường thấp nhất vào khoảng 15 - 18 giờ.
Kiểm sát 5 nguồn ô nhiễm chính
Trên cơ sở số liệu của các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đặt tại các thành phố Hà Nội và TPHCM cho thấy, trong giai đoạn cuối năm, từ ngày 12 - 15/12/2019, khu vực miền Bắc có thông số bụi PM2.5 cao hơn các khu vực khác.
Đặc biệt, đã xảy ra một số đợt cao điểm, trong đó đợt ô nhiễm giữa tháng 12/2019 có mức độ nghiêm trọng nhất. Đặc biệt, tại Hà Nội, trong vòng 3 tháng từ tháng 9 - 12/2019 các đợt ô nhiễm không khí tại Hà Nội có xu hướng gia tăng. Liên tiếp trong nhiều ngày giá trị trung bình 24h của bụi PM2.5 vượt quy chuẩn Việt Nam từ 2 - 3 lần.
Theo phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 5 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở 2 thành phố lớn nhất cả nước. Đó là khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông (gần 1,5 triệu ô tô và hơn 14 triệu xe máy), phát thải từ vài nghìn công trình xây dựng, đốt rác và rơm rạ, khí thải từ đốt nhiên liệu hóa thạch, đun nấu bằng bếp than tổ ong (riêng Hà Nội ước tính 60.000 bếp).
Ông Trần Quang Năng (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia) còn cho biết thêm: “Nguyên nhân khách quan khiến ô nhiễm không khí ở một số tỉnh thành trong cả nước còn do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là xu hướng chung của các nước trong khu vực (Thái Lan, Iran, Hàn Quốc…) cũng đã xuất hiện các đợt ô nhiễm không khí trong thời gian qua”.
Nhằm hạn chế ô nhiễm, giữ sạch cho không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra giải pháp trước mắt và lâu dài như: Đầu tư hạ tầng, trang thiết bị quan trắc. Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật môi trường, kiểm soát chặt chẽ công trình xây dựng, phương tiện giao thông, tránh ùn tắc.
Giữ sạch đường phố, không vứt rác bừa bãi, rửa đường để hạn chế bụi mịn phát tán. Hỗ trợ, kêu gọi người dân bỏ thói quen sử dụng bếp than. Hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng, trồng nhiều cây xanh...