Cần có kế hoạch hành động quốc gia
“Dù các cấp quản lý đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình, nhưng diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng”, văn bản của Bộ nêu rõ.
Do đó, Bộ TN&MT tổ chức cuộc họp, trao đổi, thảo luận tình hình thực hiện quyết định của Chính phủ. Về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia liên quan tới quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025.
Xác định nguyên nhân và đưa ra biện pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn. Cuộc họp diễn ra vào ngày 19/12 do Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì.
Ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng trong tuần qua tại Hà Nội. Trong liên tiếp các ngày 10 - 16/12, chỉ số chất lượng không khí tại nhiều trạm quan trắc của thành phố chạm ngưỡng không tốt, có thời điểm rất xấu (AQI trong khoảng 201 - 300).
Giá trị trung bình của bụi PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép ở tất cả các trạm. Số liệu đo tại một vài trạm cho thấy vượt giới hạn trên 3 lần trong các ngày 11 - 12/12.
Thông tin từ Mạng lưới Báo chí Biến đổi Khí hậu và Năng lượng Việt Nam - Media Climate Net cho hay, theo phỏng vấn của Media Climate Net với TS Johannes Flemming, nhà nghiên cứu của Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus châu Âu (CAMS) thì qua các số liệu quan trắc, đo đạc, có thể thấy khu vực xung quanh Hà Nội đang có một nguồn ô nhiễm không khí đáng kể.
Các chất gây ô nhiễm di chuyển tầm xa cũng góp phần đáng kể vào tình trạng không khí Hà Nội những ngày qua.
Để xác định nguồn gây ô nhiễm không khí, CAMS sử dụng dữ liệu các trạm đo mặt đất, từ vệ tinh. Qua đó có thể biết sự xuất hiện của từng chất trong không khí ô nhiễm.
Biểu đồ các chất gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thời gian qua cho thấy, không chỉ bụi mịn mà còn có nhiều chất hóa học khác. Đầu tiên là NO2, được xác định chủ yếu được phát ra bởi giao thông, sản xuất điện và công nghiệp.
SO2 chủ yếu do phát thải từ các ngành công nghiệp như giao thông, xe cộ. Ngoài ra có CH4 và CO, formandehyde đều ở hàm lượng cao, góp mặt vào quá trình ô nhiễm.
Than tổ ong vẫn được người dân Hà Nội sử dụng tràn lan |
Hạn chế giao thông, cấm đốt than tổ ong...
Theo nghiên cứu của TS Nghiêm Trung Dũng, ĐH Bách khoa Hà Nội và TS Nguyễn Thị Yến Liên, ĐH Giao thông Vận tải thì 40% bụi PM 2.5 đến từ giao thông vận tải, trong đó 10% là từ xe chạy dầu diezel. Xe máy là “thủ phạm” phát thải nhiên liệu lớn nhất nhưng lại không được kiểm soát khí thải.
Ngoài ra, tình trạng tắc đường, các xe di chuyển chậm, tốc độ không ổn định cũng làm phát thải ô nhiễm cao hơn. Đã đến lúc phải chuyển đổi nhiên liệu, thắt chặt tiêu chí phát thải, tăng cường phương tiện công cộng...
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho biết, kết quả nghiên cứu mới nhất của ông về bụi nano cho thấy, nguồn phát thải bụi nano từ giao thông chiếm tới 46,3%. Bụi thứ cấp trong không khí là 31%. Đun nấu sinh hoạt và bụi đất công nghiệp là 2,6%.
Hà Nội đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông. Tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc (đến nay đã xây dựng 12 cầu vượt trị giá hơn 3.000 tỷ đồng); tổ chức lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ...
Một trong những nguồn gây ô nhiễm khác là việc đốt than tổ ong. Theo lộ trình, năm 2021 Hà Nội sẽ cấm hoàn toàn việc đốt than tổ ong. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc này không dễ nếu chưa có loại nhiên liệu gì thay thế. Bởi than tổ ong gắn với mưu sinh, miếng cơm manh áo của nhiều người lao động, là giải pháp nhiên liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho họ.
PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Môi trường (Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, dù có nhiều giải pháp đi chăng nữa mà người dân chưa nhận thức và chưa có phương án hiệu quả kinh tế hơn thì chắc chắn khó mà đạt được mục tiêu.
Để thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn, Nhà nước cần rõ ràng với người dân về tính hiệu quả môi trường, hiệu quả kinh tế và cần đảm bảo nguồn nguyên liệu bếp than thân thiện môi trường thì người dân mới có thể an tâm thay thế, sử dụng.
Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam nhận định, việc cải thiện chất lượng không khí phải là một quá trình lâu dài, bền bỉ. Bắc Kinh (Trung Quốc) mất nhiều năm để nỗ lực thoát nhóm ô nhiễm nhất thế giới.
Các đô thị khác không thể mong muốn hôm nay làm, ngày mai không khí đã tốt ngay được. Hà Nội nên đặt ra các mục tiêu cho từng nguồn phát thải cụ thể. Với nguồn phát nội đô, Hà Nội cần đề ra chính sách kiểm soát khí thải xe máy, tăng cường giao thông công cộng và xe bus dùng nhiên liệu sạch.