Các tai nạn dầu khí thường thải ra một lượng lớn khí metan, loại khí nhà kính nguy hiểm chỉ sau CO2. Và việc đo lường lượng phát thải khí metan luôn là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học.
Tuy nhiên trong công bố trên tạp chí PNAS của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ mới đây, các nhà khoa học cho biết, vệ tinh giám sát tầng đối lưu có tên Tropomi của Cơ quan vũ trụ Châu Âu đã phát hiện và đo được lượng khí thải metan từ vụ nổ giếng khí hồi năm ngoái ở Ohio, Mỹ.
Theo đó, vệ tinh ghi nhận lượng khí metan thoát ra từ giếng khí dao động ở mức khoảng 120 tấn/giờ, gấp khoảng hai lần tốc độ rò rỉ khí đốt hồi năm 2015 ở Aliso Canyon, California.
Trước đây các vệ tinh thường phải nhắm mục tiêu rất cẩn thận mới có thể phát hiện thấy rò rỉ, ví dụ như trường hợp của Aliso Canyon. Nhưng việc Tropomi phát hiện thấy khí metan rò rỉ lại là điều khá bất ngờ vì vệ tinh này đang trong quá trình tuần tra thường lệ.
Steven Hamburg, đồng tác giả nghiên cứu tại PNAS cho biết, kết quả này mở ra cơ hội ứng dụng vệ tinh để định lượng khí thải, bất kể chúng phát ra từ đâu.
Cuối cùng, các nhà khoa học, các nhóm hoạt động môi trường và các chính trị gia kỳ vọng, vệ tinh không chỉ giúp phát hiện ra khí thải metan từ những vụ nổ dầu khí lớn mà còn phát hiện được cả những rò rỉ khí thải nhỏ hơn trong hoạt động sống hàng ngày của con người.
Mike Bloomberg, ứng cử viên đảng Dân chủ đang tham gia bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020 khẳng định, kế hoạch khí hậu mà ông vạch ra sẽ tạo động lực cho các công ty vệ tinh phát triển các mẫu vệ tinh có thể phát hiện khí metan.
Trong khi đó chính quyền Donald Trump dường như không mấy bận tâm về các vấn đề khí hậu. Hồi tháng 8/2019, Donald Trump đã đề xuất loại bỏ các quy định về khí metan từ thời của tổng thống Obama.