Giải pháp giúp học sinh dân tộc thạo tiếng Việt

GD&TĐ - Cô Đoàn Thị Kim Tuyến (Trường Tiểu học Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng chia sẻ những giải pháp giúp học sinh dân tộc rèn luyện kỹ năng tiếng Việt.

Giải pháp giúp học sinh dân tộc thạo tiếng Việt

Tạo sự tự tin, mạnh dạn cho học sinh

Giáo viên cần quan tâm, gần gũi, thương yêu học sinh, giúp đỡ các em mọi mặt và chú ý tới từng việc nhỏ như: Sửa cách ăn mặc, vệ sinh thân thể, cách ngồi, đi đứng, cách học cho từng học sinh. Kiên trì trong việc rèn kĩ năng nói tiếng Việt cho các em trong từng tiết học, mọi lúc, mọi nơi có thể.

Phối hợp tốt với phụ huynh học sinh, vận động phụ huynh học sinh dân tộc đảm bảo cho các em có đủ sách vở, đồ dùng học tập cũng như việc chuẩn bị bài ở nhà.

Học hỏi, vận dụng tiếng dân tộc vào giảng dạy

Với đối tượng học sinh là người dân tộc Kơ ho, cô Tuyến đã sử dụng một số vốn từ đã biết về tiếng Kơ ho chuyển tiếp trong quá trình dạy học.

Dạy học sinh dân tộc nói Tiếng Việt, giáo viên dùng tiếng dân tộc để giao tiếp, trò chuyện tạo sự gần gũi, thân thuộc giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn khi tiếp xúc với giáo viên. 

Trong các tiết học, nếu học sinh không hiểu, giáo viên dùng tiếng Kơ ho để dịch sang tiếng phổ thông hoặc dùng tiếng Kơ ho để nói với các em.

Ví dụ: Dùng từ ngữ giải thích hay gọi tên các con vật khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài mới trong môn học vần như: Nhà – tầm hều, đọc sách – xìn srá, con gà – còn ia; con lợn – còn sun, con chó – còn su, cụ già – ùn lao, măng – păng, trong rừng – tầm ri, chào – ngách, các tiếng đệm : nhé, nha – du, ghít – có, ọ - không, …

Rèn phát âm chuẩn

Với học sinh lớp 1, đây là giai đoạn đầu tiên của rèn kĩ năng nói. Vì vậy, giáo viên cần quan tâm hướng dẫn các em nói đúng âm, vần, tiếng, từ một cách kĩ hơn.

Giáo viên vận dụng phương pháp luyện theo mẫu trong tiếng Việt như: Giáo viên nói trước yêu cầu học sinh nói theo, hoặc cho học sinh khá giỏi trong lớp nói trước để học sinh dân tộc nhắc lại. Phải thật kiên trì trong từng tiết học để giúp học sinh dân tộc nói đúng, nói rõ tiếng Việt.

Ví dụ: Học sinh dân tộc hay phát âm sai: ê, s, x, ư, ơ; giáo viên cho học sinh nói tiếng trước sau đó quay về âm như: Bê – ê, thư – ư, sẻ - s, xù – x, …

Do học sinh dân tộc có thói quen nói ngược, nói không thành câu nên giáo viên chịu khó từng bước luyện cách nói cho học sinh.

Khi hướng dẫn các em phân tích từ rút ra tiếng, hay phân tích tiếng rút ra âm (vần) mới, giáo viên cho học sinh Kinh nói trước sau đó cho học sinh dân tộc lặp lại, cứ nhiều lần như vậy để các em có kĩ năng nói thành câu, đồng thời tránh cách nói ngược.

Trong phần tìm hiểu tranh và đọc câu ứng dụng, giáo viên hướng dẫn học sinh bằng những câu hỏi gợi ý để giúp học sinh nói nhiều thông qua việc trả lời các câu hỏi : Tranh vẽ gì ? Bé đang làm gì ? … Học sinh có thể trả lời : Tranh vẽ bé. Bé đang múa, hát. Tranh vẽ mẹ cùng bé đi bộ. …

Luyện nói theo chủ đề trong các bài học vần, đây là bài tập chủ yếu rèn kĩ năng nói tự nhiên cho các em, giáo viên phải chuẩn bị kĩ câu hỏi gợi ý để học sinh nói. 

Trong quá trình luyện nói, nếu học sinh dân tộc chưa nói được, giáo viên cho học sinh khá giỏi nói trước cho học sinh dân tộc nói sau, từng bước phát huy khả năng của các em.

Sau khi kết thúc phần vần, chuyển sang phần luyện tập tổng hợp, đây là giai đoạn tiếp tục củng cố kĩ năng nói tiếng Việt cho học sinh tốt hơn vì trong những tiết học này các em chủ yếu là ôn luyện kĩ năng đọc, kĩ năng nói thông qua các bài tập đọc, tìm hiểu nội dung bài đọc, cũng như tập nói theo chủ đề của từng bài luyện tập.

Vì vậy giáo viên cần có những biện pháp tích cực để giúp học sinh dân tộc rèn kĩ năng nói Tiếng việt của các em một cách tốt hơn, lưu loát hơn.

Rèn kỹ năng nói trong các môn học

Đối với môn Đạo đức, môn Tự nhiên – Xã hội tổ chức cho học sinh thảo luận trao đổi theo cặp, theo nhóm để các em dân tộc giao lưu với bạn tạo sự tự tin, mạnh dạn và tập nói với các bạn trong lớp.

Sau thảo luận nhóm khi học sinh phát biểu ý kiến trước lớp, xen kẽ với học sinh Kinh phát biểu giáo viên động viên và cho học sinh dân tộc được nói.

Môn Toán: Trong quá trình tìm hiểu kiến thức mới, giáo viên luôn tạo điều kiện để các em luyện nói. Ví dụ: Các bài về bài khái niệm hình vuông, hình tròn, hình tam giác, …, các em nói: Đây là hình vuông, đây là hình tròn, …

Khi dạy các bài về số, giáo viên đưa ra gợi ý để các em nói đủ ý, thành câu. Ví dụ : Dạy bài số 6, giáo viên gắn bảng 6 bông hoa, 6 con chim, 6 con cá và hỏi: Có mấy bông hoa? Có mấy con chim? … Yêu cầu học sinh quan sát và trả lời đầy đủ: Có 6 bông hoa. Có 6 con chim. …

Khi dạy các bài về phép cộng, phép trừ các số trong phạm vi 10. Giáo viên vừa gắn mẫu vật, vừa hỏi để học sinh vừa quan sát vừa trả lời, ở mức độ cao hơn là nêu bài toán tương ứng đòi hỏi học sinh phải nói dài đủ ý,thì cho học sinh khá giỏi nêu trước yêu cầu học sinh dân tộc nhắc lại.

Môn Âm nhạc: Dạy kĩ năng nói thông qua việc dạy các em hát theo lời ca, giai điệu của bài hát.

Trước khi dạy các em hát, giáo viên cho học sinh đọc lời ca. Giáo viên cần giảng giải ý nghĩa của từng câu hát giúp các em hiểu.

Đây là môn học sinh động nhiều học sinh thích thú, nhật là đối với học sinh dân tộc. Đa số học sinh dân tộc có chất giọng tốt, yêu thích ca hát.

Vì vậy giáo viên cần biết phát huy thế mạnh của môn học giúp học sinh dân tộc tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập nhất là trong rèn kĩ năng nói.

Chú trọng đổi mới phương pháp

Đổi mới phương pháp dạy học là một khâu quan trọng không thể thiếu được trong quá trình dạy học. Trong các tiết học giáo viên chỉ là người đạo diễn, hướng dẫn, chỉ đạo, còn học sinh là người thực hiện.

Trong quá trình rèn kĩ năng nói cho học sinh dân tộc giáo viên phải luôn sáng tạo, linh hoạt trong sử dụng phương pháp dạy học cũng như lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với trình độ và năng lực học sinh.

Phải thật sự tế nhị, nhẹ nhàng, linh hoạt thì mới phát huy được tính tích cực của học sinh bởi học sinh dân tộc hay mặc cảm, tự ti. Khi nói nếu các em lúng túng thì giáo viên gợi ý một cách khéo léo để học sinh không mất bình tĩnh. Có như vậy mới phát huy được khả năng nói của các em một cách tối đa.

Tranh ảnh, thiết bị dạy học là đồ dùng trực quan không thể thiếu được trong bất kì một môn học nào.

Trong các tiết học giáo viên thường xuyên sử dụng các phương tiện dạy học như tranh ảnh minh hoạ, một số dụng cụ thật làm cho giờ học thực sự hấp dẫn tạo điều kiện học sinh nói chung, học sinh dân tộc nói riêng có điều kiện để nói dễ dàng hơn và cũng kích thích được tư duy tưởng tượng của các em khi nói.

Đặc biệt các tiết học của môn Tiếng Việt giáo viên tích cực sử dụng đồ dùng dạy học như tranh ảnh, vật thật, …để các em có cơ sở nói một cách tự nhiên.

Ngoài ra còn rèn học sinh kĩ năng nghe, khi bạn nói, học sinh chú ý nghe để nhận xét lời nói của bạn cũng là một cách để các em nâng cao kĩ năng nói của mình.

Nói tóm lại, đồ dùng trực quan rất quan trọng trong dạy học học sinh tiểu học; càng quan trọng hơn với học sinh lớp 1, đặc biệt là học sinh dân tộc do vốn hiểu biết còn quá ít, vốn từ Tiếng Việt hạn hẹp nên học sinh dân tộc cần có cái gì đó cụ thể, cái cụ thể đó chính là đồ dùng trực quan.

Khuyến khích động viên học sinh đúng lúc, kịp thời

Điều cần chú ý là học sinh dân tộc rất thích khen mà không muốn nghe chê. Vì vậy trong từng tiết học giáo viên cần động viên học sinh kịp thời, đúng lúc để khuyến khích tinh thần của các em, giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong giờ học dù đó là những tiến bộ rất nhỏ để các em có niềm tin tiếp tục tham gia nói trong giờ học một cách tích cực hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.