Bộ GD&ĐT cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được thực hiện từ năm học 2002 - 2003, được thiết kế chủ yếu theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, về lý thuyết hàn lâm; chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn; phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, chưa phát huy được tính tích cực của học sinh…
Để giảm tải chương trình cho giáo viên và học sinh, Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung dạy học trong chương trình hiện hành theo hướng tinh giản.
Đặc biệt, ngày 3/10/2017, Bộ đã ban hành Công văn số4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018. Trong đó, tiếp tục tinh giản nội dung dạy học bảo đảm không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình; tích cực đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, tăng cường hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng sáng tạo kiến thức; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, không nặng về kiểm tra kiến thức; giáo dục phẩm chất, thể chất, kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh…
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, bảo đảm yêu cầu giảm tải, giảm hàn lâm, gắn với thực tiễn; thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực, tăng cường hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm cho học sinh; kiểm tra, đánh giá, thi cử nhẹ nhàng, không nặng về kiểm tra kiến thức mà tập trung đánh giá sự phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Các giải pháp nói trên góp phần quan trọng giảm tải chương trình. Tuy nhiên, để khắc phục được triệt để nguyên nhân gây quá tải, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lý việc dạy thêm học thêm; các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tính toán để giúp con xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường.
Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh/thành phố làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm.