Tìm ra những chiến lược để có giải pháp lâu dài
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì Tọa đàm, cho rằng cần phải tìm ra nguyên nhân cơ bản và giải pháp lâu dài để có khuyến nghị phù hợp về chính sách, nhằm bảo vệ trẻ em trước sự tác động không ngừng của xã hội.
Tham dự Tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; cùng các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực trẻ em.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, thời gian gần đây, chúng ta liên tiếp chứng kiến nhiều sự kiện tự sát vô cùng đau lòng xảy ra ở lứa tuổi học đường. Từ đây đặt rất vấn đề cấp bách cần phải tìm ra nguyên nhân cơ bản và giải pháp lâu dài về vấn đề đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh. Sau đó, có những khuyến nghị phù hợp về chính sách, điều chỉnh về pháp luật hợp lý để bảo vệ trẻ em trước sự tác động không ngừng của xã hội. Mục đích nhằm góp phần ngăn ngừa từ sớm, từ xa những thông tin tiêu cực đến suy nghĩ và sức khỏe tâm thần của học sinh và xây dựng môi trường lành mạnh để trẻ phát triển.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học sinh đang gia tăng nhanh chóng như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử… Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều.Trước thực trạng trầm cảm ở lứa tuổi học sinh xảy ra liên tiếp như hiện nay, các đại biểu kỳ vọng, với tầm vóc của Quốc hội sẽ thực sự đầu tư cho vấn đề này, tìm ra những chiến lược để có giải pháp lâu dài và giải quyết được dứt điểm thực trạng tiêu cực này.
Các đại biểu nhấn mạnh, tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Các em dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, suy nghĩ, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí là ý nghĩ tự sát. Cha mẹ đặc biệt cần có sự quan tâm, chia sẻ để tránh xảy ra những nguy hại do chứng trầm cảm tuổi học đường.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), TS.Nguyễn Tùng Lâm, vấn đề giáo dục trong gia đình cần được đề cao. Chúng ta cần tổ chức những lớp học bắt buộc cho cha mẹ học sinh về kỹ năng làm cha mẹ, cách nuôi dạy con trong từng cấp học để giúp cha mẹ có thể nắm bắt được dấu hiệu tâm thần của con ngay từ đầu, ngay từ cấp học mầm non.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Trần Huy Hoàng cho rằng, chúng ta không nên đổ lỗi cho cha mẹ, hoặc coi việc đóng băng, ngăn chặn thông tin là giải pháp, đó là xã hội chung mà việc của chúng ta là cần trang bị cho trẻ khả năng thích ứng mới là giải pháp lâu dài.
Đề xuất những biện pháp phòng tránh sức khỏe tâm thần cho học sinh
Đề xuất những biện pháp giúp phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh, các đại biểu cho rằng, đối với gia đình và nhà trường, phụ huynh cần theo dõi giấc ngủ của con em vì các rối loạn tâm thần thường gây ra mất ngủ. Bên cạnh đó nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở trẻ và tìm hướng giải quyết. Đồng thời khuyến khích học sinh nói ra vấn đề của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, cần tránh đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ, gây ra áp lực lớn trong học tập. Thay vào đó, nên tạo môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý, khoa học.
Học sinh cần xây dựng thời gian biểu học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học, tránh học quá nhiều, dồn nén sẽ dẫn đến kết quả học tập không tốt. Đồng thời rèn luyện cách suy nghĩ tích cực, cố gắng giải quyết vấn đề. Cùng với đó là học cách đối thoại, trình bày vấn đề của bản thân với gia đình và nhà trường, tăng cường các hoạt động thể thao, ăn uống lành mạnh, tránh các thói quen không tốt như thức khuya, chơi game, sử dụng các chất kích thích…
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh để giải quyết cần tổng hòa trách nhiệm của toàn xã hội.
Trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục giám sát Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó có vấn đề làm sao giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đồng thời, Ủy ban cũng sẽ đồng hành với Chính phủ trong quá trình sửa luật Phòng, chống bạo lực gia đình, hoàn thiện hệ thống pháp lý, giải quyết căn nguyên sâu xa của vấn đề này.
Trên cơ sở các ý kiến tại Tọa đàm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tổng hợp, phân loại các ý kiến góp ý để có tiếng nói, khuyến nghị về mặt chính sách, pháp luật tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như Quốc hội trong thời gian tới.