Điều trị trầm cảm ở nữ giới, cần áp dụng đúng phương pháp chữa bệnh

GD&TĐ - Theo chuyên gia, trầm cảm phụ thuộc vào giới tính. Nhiều thống kê cho thấy, phụ nữ thường có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn so với nam giới.

Giáo viên cũng là ngành nghề gặp nhiều áp lực, căng thẳng, nhất là trong mùa dịch. Ảnh minh họa.
Giáo viên cũng là ngành nghề gặp nhiều áp lực, căng thẳng, nhất là trong mùa dịch. Ảnh minh họa.

Phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới

Bác sĩ Lê Văn Duy, Trung tâm Pháp y Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phụ nữ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới gấp hai lần. Nếu tính chung ở nam giới, tỷ lệ người có ít nhất một lần bị mắc chứng trầm cảm trong đời là 10% thì tỷ lệ này ở phụ nữ là 20%.

Các tiêu chí để chẩn đoán trầm cảm đều giống nhau ở cả hai giới. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng biểu hiện của trầm cảm ở phụ nữ thường là lo âu, mặc cảm có tội và thay đổi khẩu vị cũng như thói quen ăn uống.

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể giải thích chính xác về nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị trầm cảm. Tuy nhiên, một số yếu tố kết hợp có liên quan đến hormone, sinh hóa, tâm lý, gen và môi trường có thể đóng vai trò nhất định.

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng độ nặng của trầm cảm ở phụ nữ là trong gia đình đã từng có người bị trầm cảm. Bản thân đã từng bị trầm cảm, đặc biệt là khi điều này xảy ra rất sớm trong giai đoạn mới dậy thì.

Nhiều bé gái không may mắn cũng có thể dễ mắc trầm cảm như bị mất cha hoặc mẹ từ trước khi lên 10 tuổi, lúc còn nhỏ bị bạo hành thể xác hoặc xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày. Đặc biệt là loại thuốc có hàm lượng progesterone cao hoặc đang sử dụng thuốc kích thích rụng trứng để điều trị vô sinh cũng dễ mắc trầm cảm.

Ngoài ra, phụ nữ thường xuyên có những yếu tố gây stress trong đời sống. Ví dụ như mất việc làm hoặc xung đột trong hôn nhân, thiếu những nguồn lực hỗ trợ từ gia đình và xã hội cũng là nguyên nhân.

“Trong thực tế, nữ giới sẽ dễ gặp phải các vấn đề về tâm lý hơn so với nam giới. Họ sẽ thường nhạy cảm hơn đối với những vấn đề, sự kiện xảy ra xung quanh. Ngoài ra, phụ nữ còn thường xuyên có xu hướng suy nghĩ về những vấn đề tiêu cực, dễ xúc động và dễ khóc trong các tình huống.

Phụ nữ sẽ dễ bị căng thẳng, lo lắng, hoang mang hơn so với phái mạnh. Trong một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức độ gia tăng progesterone trong cơ thể của nữ giới sẽ làm cản trở sự sinh sản những hormone chống căng thẳng, lo lắng”, bác sĩ Lê Văn Duy thông tin.

Cũng theo bác sĩ Lê Văn Duy, tùy vào nguyên nhân, giai đoạn bệnh của mỗi người mà các biểu hiện bệnh cũng sẽ có phần khác nhau. Tuy nhiên, đa phần phụ nữ bị trầm cảm đều có xuất hiện các triệu chứng như cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, không có năng lượng để làm bất cứ việc gì.

Cùng với đó là cảm thấy tuyệt vọng, đầu óc trống rỗng. Luôn trong trạng thái buồn bã, ủ rũ, chán nản. Mất dần các hứng thú đối với những sự việc, hiện tượng xảy ra xung quanh, kể cả những điều mà mình đã từng yêu thích trước đây.

Đồng thời, biểu hiện thường thấy là lo lắng, hoang mang, sợ hãi không rõ nguyên nhân, cảm giác tội lỗi, cảm thấy bản thân vô dụng, tập trung kém, suy giảm trí nhớ.

Bên cạnh đó, triệu chứng dễ thấy là cảm xúc thay đổi bất chợt, dễ cáu gắt, nổi giận, dễ khóc mà không có lý do. Giấc ngủ bị rối loạn, mất ngủ thường xuyên hoặc ngủ quá nhiều. Ăn uống không điều độ, chán ăn, bỏ bữa hoặc ăn không kiểm soát.

Thường xuyên cảm thấy đau nhức xương khớp, đau đầu, co thắt, đau ngực, đầy hơi, gặp phải các vấn đề về tiêu hóa. Có ý nghĩ tiêu cực, suy nghĩ về cái chết và xuất hiện những hành vi tự sát…

Áp dụng đúng phương pháp chữa bệnh

Phụ nữ cần có lối sống lành mạnh để tránh mắc trầm cảm. Ảnh minh họa.

Phụ nữ cần có lối sống lành mạnh để tránh mắc trầm cảm. Ảnh minh họa.

Nếu các cô giáo đang cảm thấy quá tải, mệt mỏi hãy chia sẻ cảm xúc với đồng nghiệp khác, bạn bè hoặc thành viên trong gia đình. Trò chuyện với người giám sát hoặc lãnh đạo ở trường sẽ giúp họ hiểu và hỗ trợ bạn. Bởi một mối quan hệ lành mạnh sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đến những đứa trẻ mà giáo viên đang dạy - Bác sỹ Lê Văn Duy.

Hầu hết các biểu hiện trầm cảm ở phụ nữ đều giống với những trường hợp thông thường khác. Tuy nhiên, không phải tất cả những đối tượng bệnh đều có triệu chứng giống nhau.

Tùy vào mức độ bệnh và các yếu tố khác mà người bệnh có thể có ít hoặc nhiều hơn các triệu chứng kể trên. Nếu phụ nữ hoặc trẻ em gái có những biểu hiện nêu trên kéo dài liên tục trên 2 tuần thì cần tìm gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để được thăm khám và hỗ trợ tốt hơn.

Theo thống kê thì có khoảng hơn 50% trường hợp chẩn đoán sai về tình trạng trầm cảm ở phụ nữ và có hơn một nửa số người bệnh không tiến hành điều trị. Tuy nhiên, tình trạng trầm cảm ở phụ nữ có thể điều trị được nếu sớm phát hiện và áp dụng đúng phương pháp chữa bệnh. Hiện nay có hơn 80% các trường hợp bệnh nhân được chữa khỏi nhờ vào sự kết hợp của nhiều biện pháp điều trị như sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý…

Bên cạnh những phương pháp điều trị chuyên khoa thì người bệnh cũng cần nhanh chóng thay đổi lối sống, sinh hoạt hàng ngày của mình. Việc có được một lối sống tích cực và lành mạnh sẽ giúp đẩy lùi các triệu chứng trầm cảm tốt hơn, ngăn chặn tình trạng tái phát của bệnh.

Trong đại dịch, sức khỏe tâm thần được quan tâm đáng kể. Một trong những ngành nghề lo ngại có nguy cơ cao mắc trầm cảm là giáo viên. Theo UNICEF Việt Nam, đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng mức độ căng thẳng trong cuộc sống của nhiều giáo viên với phương pháp giảng dạy mới. Đó cũng là các vấn đề về sức khỏe của cá nhân và gia đình.

Dù dạy học trực tuyến hay tại lớp, giáo viên vẫn liên tục phải quan tâm đến nhu cầu của học sinh. Vì vậy, chuyên gia cũng khuyên rằng cần đảm bảo đặt ra ranh giới để có thời gian dành riêng cho bản thân, ở bên gia đình hoặc tận hưởng những việc giáo viên thích làm, nhất là đối với giáo viên nữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.