Trẻ trầm cảm do nghiện thế giới "ảo"

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tình trạng nghiện game trong giới trẻ ngày càng phổ biến và dễ gây ra bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng quan tâm đến vấn đề này.

Trẻ trầm cảm do nghiện thế giới "ảo"

Thậm chí, ngay cả khi phát hiện trẻ nghiện thế giới “ảo” kèm theo những biểu hiện trầm cảm, không ít phụ huynh vẫn “e dè” đưa con đi khám.

Ảnh hưởng tiêu cực

ThS.BS Nguyễn Thành Long - Chuyên gia tư vấn tâm thần, Phòng khám Tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Times City (Hà Nội) cho biết: “Trẻ được coi là nghiện game nếu trong suốt thời gian dài (ít nhất 12 tháng) có dấu hiệu mất kiểm soát do chơi game.

Trẻ dành quá nhiều thời gian chơi game dẫn đến xa rời những công việc hoặc hoạt động thường ngày đáng lẽ phải làm, xa rời các mối quan hệ xã hội xung quanh. Trẻ chơi game liên tục không kiểm soát được, dù biết điều này đang tổn hại đến sức khỏe của chúng”.

ThS Long cho biết, nghiện game là bệnh, và ông cho biết: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại một số người chơi game quá mức là nhóm bệnh nhân có vấn đề tâm thần. Trong đó bao gồm những người ưu tiên chơi game hơn các hoạt động, sở thích khác. Đồng thời, tình trạng này kéo dài quá 1 năm.

“WHO đã cho thấy nghiện game thực sự có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của một người. Với trẻ em đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, lối sống thì việc game kiểm soát cuộc sống là điều vô cùng đáng lo ngại.

Trẻ dành thời gian cho game, vì thế cũng không còn thời gian chăm lo học hành, rèn luyện thể lực và sức khỏe, không quan tâm đến thế giới xung quanh. Nhiều trẻ chơi game liên tục dẫn đến mất cân bằng nhịp sinh học. Một số trò chơi mang tính chất bạo lực có thể khiến trẻ nghiện game có xu hướng hung hãn hơn”, chuyên gia cảnh báo.

Triệu chứng trầm cảm

Cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia hoạt động ngoài trời, thay vì chơi game.
Cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia hoạt động ngoài trời, thay vì chơi game.

- Bố mẹ cần dành thời gian để tương tác với con, như theo dõi và quy định giờ chơi game của trẻ, đặc biệt là về giấc ngủ. Nhiều trẻ ngủ phòng riêng và chơi game suốt đêm, nên phụ huynh không kiểm soát được giờ giấc.

- Khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động ngoài trời ngay tại khu vực nhà mình như đi bộ tập thể dục, đánh bóng bàn, cầu lông, chơi cá ngựa, cờ vua, cờ tướng...

- Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần cần có sự hỗ trợ và những lời khuyên để đối phó với stress. Đồng thời, xử lý những hậu quả của việc chơi game quá mức như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu, hậu quả của việc học hành sa sút do tập trung vào chơi game.

Nhiều người nghiện game thường tập trung vào trò chơi nhiều hơn các vấn đề khác của cuộc sống. Khi nghiện game, trẻ có nguy cơ trầm cảm với biểu hiện là mất hết các hứng thú và sở thích khác, lười vệ sinh cơ thể, sút cân, mất ngủ, nói dối...

PGS.TS Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, người nghiện game sẽ có 2 nhóm triệu chứng: Nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy; Nhóm triệu chứng trầm cảm. Trong đó, ở nhóm thứ hai, người nghiện game thường có khí sắc trầm cảm.

Theo chuyên gia này, đây là triệu chứng mà gần như tất cả người nghiện game đều có. Trẻ nghiệm game có nét mặt đơn điệu, ngơ ngác, buồn bã. Tình trạng khí sắc giảm bền vững trong cả ngày. Trẻ vị thành niên nghiện game có xu hướng nổi cáu vô cớ trong vài phút đến vài chục phút. Sau đó, trẻ trở về tình trạng khí sắc giảm.

Ngoài ra, người nghiện game mất hầu hết các hứng thú và sở thích vốn có. Họ hầu như mất hào hứng với âm nhạc, thể thao, hội họa, phim, ảnh, mua sắm, đi dã ngoại. Trẻ nghiện game hầu như không còn quan tâm đến bài vở. Nhiều trẻ trốn học để chơi game.

“Người nghiện game luôn trong tình trạng mất ngủ. Họ được coi là mất ngủ nếu ngủ ít hơn bình thường trên 2 giờ mỗi ngày. Thực tế, người nghiện game ngủ rất ít. Họ thường chơi game rất khuya, có thể đến 1 - 2 giờ sáng.

Nhiều trường hợp nghiện game chơi thâu đêm”, PGS Huy cho biết. Do mất hết các ham muốn và sở thích, người nghiện game cũng không quan tâm đến bữa ăn. Bên cạnh đó, trẻ nghiện game có nguy cơ rối loạn tâm thần vận động.

Chuyên gia này cho biết, hầu hết người nghiện game đều hoạt động chậm chạp, lờ đờ khi ra ngoài đời thực. Trẻ nghiện game thường suy nghĩ một cách khó khăn, chậm chạp, tăng khoảng nghĩ trước khi trả lời. Tuy nhiên, khi không được chơi game, trẻ đi lại liên tục và có thể kích động.

Người nghiện game mất hoàn toàn khả năng phê phán về tình trạng chơi game của mình. Trẻ nghiện game đồng thời khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định. Bởi, mọi suy nghĩ của người nghiện game có xu hướng tập trung vào các trò chơi trên máy vi tính. Do đó, trẻ khó có thể tập trung suy nghĩ và chú ý vào các vấn đề khác.

Hơn nữa, do khả năng học hành sa sút nên trẻ không đủ tri thức cũng như tự tin để ra quyết định. Biểu hiện này thể hiện rõ khi trẻ làm bài kiểm tra tại trường. Thái độ lúng túng hiện rõ trên nét mặt và hành vi. Do khó tập trung suy nghĩ và chú ý, kết quả học tập của trẻ nghiện game sa sút.

Trẻ nghiện game cũng có thể có ý nghĩ muốn chết và hành vi tự sát.

“Do không đạt kết quả như mong muốn khi chơi game, xa lánh các vấn đề thực của cuộc sống, bị gia đình và bạn bè chê trách, nhiều người nghiện game tỏ ra bi quan, chán nản. Lúc đầu họ nghĩ rằng chết đi cho xong. Ý nghĩ này chỉ xuất hiện trong vòng một vài phút rồi hết.

Về sau, họ luôn nghĩ đến cái chết, coi đó là một giải pháp tốt để giải quyết các vấn đề cá nhân. Người nghiện game có thể chuẩn bị các thứ cần thiết cho tự sát. Nếu sau khi tự sát không thành, người nghiện game có thể lặp đi lặp lại hành vi này nhiều lần”, chuyên gia cảnh báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ