LTS: Học sinh là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Các em dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản.
Tỷ lệ học sinh bị trầm cảm ngày càng gia tăng. Tình trạng này đã ở mức báo động vì hệ luỵ nghiêm trọng mà nó gây ra. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến trầm cảm ở học sinh? Cha mẹ đặc biệt cần có sự quan tâm, chia sẻ để tránh xảy ra những nguy hại do chứng trầm cảm tuổi học đường.
Những áp lực dẫn đến trầm cảm
Thật đáng tiếc khi vẫn còn nhiều người lớn không tin vào những áp lực mà con em mình có thể gặp phải. Nhiều cha mẹ buông lời đắng cay “Có mỗi chuyện học thôi mà cũng không xong”, “Chịu áp lực kém thế này thì ra đời làm sao?”... để rồi con trẻ phải đối mặt với những hậu quả thương tâm.
Cần hiểu rằng, trầm cảm không có nghĩa là bạn lười. Trầm cảm không có nghĩa là bạn không có ý chí phấn đấu. Trầm cảm là một căn bệnh cần được chữa trị và bạn hoàn toàn có thể vượt qua được.
Theo tài liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Hoa Kỳ, trầm cảm xuất phát từ nhiều yếu tố hợp thành. Trong đó có thể kể đến yếu tố di truyền, xã hội, giáo dục, môi trường sống. Đặc biệt là tính tích cực cá nhân khi đối diện với những tác động ngoại cảnh.
Giai đoạn dậy thì và sau dậy thì, cơ thể của trẻ trải qua sự thay đổi đột ngột cả về chất và lượng, từ sinh lý đến tâm lý. Cảm xúc của trẻ dễ thay đổi, sự hưng phấn được đẩy lên cao đột biến, hoặc có thể giảm sâu đột ngột.
Trẻ có thể đối mặt với những áp lực liên quan đến mâu thuẫn với bạn bè, mối quan hệ tình cảm, áp lực thành tích, sự kỳ vọng quá cao của gia đình... Đây đều là lý do dẫn đến sự thay đổi cảm xúc của người trẻ. Đôi khi, những triệu chứng nhen nhóm của trầm cảm xuất hiện mà người lớn không hay biết.
Việt Nam vừa trải qua đợt dịch nghiêm trọng nhất, tất cả các hoạt động học tập đều chuyển sang hình thức online. Chính vì thế, các kết nối vật lý đều bị hạn chế đến mức tối đa cũng là yếu tố khách quan kích thích sự căng thẳng tâm lý. Đây là mầm mống ban đầu của trầm cảm.
Cảm xúc căng thẳng này không chỉ xuất hiện ở học sinh mà còn là người lớn. Tuy nhiên, vì sự thiếu hụt các kỹ năng giao tiếp mà người lớn vô tình dồn ép, gây thêm áp lực lên con. Từ đó càng khiến trẻ dễ đối mặt với nguy cơ trầm cảm.
Mới đây, một nam sinh 18 tuổi vừa đậu vào trường đại học top đầu ở Trung Quốc đã để lại dòng tâm thư tuyệt mệnh với nội dung “Trong những năm qua, con đã phải chịu rất nhiều áp lực.
Đại học Thanh Hoa là ước mơ của mẹ, lần này con đã giúp mẹ thực hiện ước mơ của mình. Nhưng để làm được điều này, con cảm thấy rất khó thở, suốt bao năm qua con chỉ có học, không bạn bè, không cuộc sống, không niềm vui”.
Tại Việt Nam, nữ sinh 16 tuổi tại Hà Tĩnh đã chọn cách khép lại cuộc đời và để lại những dòng cuối cùng. “Con luôn là gánh nặng của gia đình của ba mẹ. Vâng, mẹ nói đúng, con là một đứa vô tích sự chả làm được việc gì khiến mẹ hài lòng.
Học hành thì chẳng ra sao, cũng chẳng được nhanh nhẹn và hoạt bát như những người khác… Mẹ suốt ngày chỉ biết la mắng con nhưng có bao giờ mẹ hiểu cho cảm nhận của con chưa… Con hi vọng khi con đi rồi mẹ sẽ sống vui vẻ hơn và không bao giờ phải tức giận”.
Điểm số, học tập không phải là yếu tố duy nhất gây ra trầm cảm, mà ở đó còn là những kỳ vọng từ gia đình. Đó là những lần la mắng, thậm chí đòn roi, với mong muốn con mình sẽ “học giỏi hơn, đỗ vào trường uy tín”.
Không coi thường các tín hiệu bất thường
Trầm cảm ở học sinh còn có thể xuất phát từ sự ganh đua, áp lực đồng trang lứa. Chính trẻ tự đẩy mình vào con đường “không lối thoát” với sự căng thẳng, lo âu liên tục bủa vây. Sự kỳ thị, xa lánh, tẩy chay... từ những người bạn xung quanh cũng là dấu hiệu đáng báo động. Nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Việc chẩn đoán trầm cảm chỉ được diễn ra bởi những nhà lâm sàng về tâm lý hoặc tâm thần. Nhưng gia đình hoặc người thân có thể quan sát một số biểu hiện tiêu biểu để có sự quan tâm kịp thời. Theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần, những biểu hiện dễ thấy nhất chính là sự thay đổi thói quen.
Trẻ dần mất hứng thú với hầu hết các sở thích hoặc các hoạt động mỗi ngày. Đó là thường xuyên thấy trẻ bỏ bữa, hoặc ăn không ngon. Dù không có ý định giảm hoặc tăng cân nhưng số cân cơ thể có sự thay đổi (quá 5%/tháng).
Trẻ có thể mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi. Có suy nghĩ, ý định, lên kế hoạch, hoặc thậm chí đã từng thử thực hiện hành vi tự tử nhiều lần...
Những triệu chứng này cần được quan sát trong một thời gian khoảng 2 tuần, và xuất hiện đồng thời, liên tục. Phải mất một thời gian đủ dài, trầm cảm mới “ngấm” đủ sâu và gây ra những hậu quả thương tâm. Do đó, người lớn tuyệt đối không được bỏ qua các tín hiệu bất thường.
Mặc dù vẫn còn nhiều thứ để lo toan trong cuộc sống, nhưng gia đình vẫn nên dành ra một khoảng thời gian nhất định để lắng nghe, tìm hiểu về đời sống tinh thần của con. Đôi khi, những dấu hiệu này trẻ sẽ không bày tỏ trực tiếp, mà thông qua những dấu hiệu gián tiếp như mạng xã hội, tâm sự với bạn bè, viết nhật ký...
Do đó, gia đình có thể học cách tiếp cận với con thông qua việc kết nối trên nền tảng số. Không cấm đoán hay can thiệp quá sâu mà giữ sự quan sát vừa phải.
Gia đình cũng có thể trò chuyện thêm với một số người bạn thân của con để nhận được những sự cảnh báo kịp thời. Hơn hết chính là việc trang bị kiến thức tự nhận diện cảm xúc cho học sinh.
Trong những tiết sinh hoạt, giáo viên có thể tìm hiểu và bổ sung cho học sinh những kiến thức để nhận biết lo âu, trầm cảm. Bên cạnh đó là việc thể hiện, bày tỏ, kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh khi nhận ra bản thân có những dấu hiệu bất thường.
Với sự phát triển hệ thống phòng tâm lý học đường, công tác tuyên truyền và phổ cập kiến thức này đến học sinh cũng trở nên thuận lợi hơn. Từ đó góp phần can thiệp và ngăn chặn những chuyển biến có hại trong tương lai.