Phòng tránh trầm cảm trẻ em

GD&TĐ - Bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân y 103 cho biết, các triệu chứng của trầm cảm ở trẻ em có thể khác nhau.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Song, triệu chứng chính của trầm cảm xoay quanh nỗi buồn, một cảm giác tuyệt vọng, thay đổi tâm trạng. 

Biểu hiện khác nhau ở trẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, trẻ trầm cảm có thể mệt mỏi, vận động chậm và giảm năng lượng, phàn nàn về cơ thể (như đau bụng, đau đầu, thay đổi theo cảm xúc) không đáp ứng với điều trị. Trẻ trầm cảm cũng có nét mặt buồn, giảm khả năng hoạt động trong các sự kiện.

Đồng thời, giảm hoạt động tại nhà hoặc với bạn bè, trường học, các hoạt động ngoại khóa và sở thích khác mà trẻ từng thích.

Trẻ cũng có thể có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, gặp ảo giác và suy nghĩ kém. Thậm chí, trẻ trầm cảm thường suy nghĩ về cái chết hoặc tự sát. “Các biểu hiện trên thường kéo dài trên 2 tuần, thực tế có thể ngắn hơn. Không phải tất cả trẻ đều có đầy đủ các triệu chứng này. Thực tế, hầu hết sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau, tại các thời điểm khác nhau và trong thiết lập khác nhau”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Theo chuyên gia này, điều quan trọng là phụ huynh cần lắng nghe, mở lòng với trẻ. Nhờ đó, san sẻ thử thách và áp lực mà trẻ trải qua. Đặc biệt, ở tuổi bước vào mẫu giáo, trẻ thường được tiếp xúc với môi trường mới nên có nhiều chuyện muốn kể cho cha mẹ.

Thay vì thái độ dửng dưng, thờ ơ, phụ huynh cần lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của trẻ. Nếu phụ huynh bỏ ngoài tai những lời trẻ nói, con sẽ có cảm giác bị tổn thương, không được quan tâm. Từ đó, dẫn đến suy nghĩ rằng, cha mẹ không thương mình.

“Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ lại có rất nhiều những vấn đề khác nhau cần được hỏi và giải đáp. Hãy nhẹ nhàng lắng nghe và giải thích cho trẻ, nhất là những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì”, bác sĩ Mạnh Cường khuyến cáo.

Cách giáo dục tốt nhất

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường khuyến cáo, cha mẹ cần lắng nghe trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường khuyến cáo, 
cha mẹ cần lắng nghe trẻ. 

Trầm cảm ở trẻ em là vấn đề mà nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Chính phủ Ấn Độ cho biết, từ năm 2017 - 2019, có ít nhất 24.000 trẻ em tự tử sau khi thi trượt. Riêng trong năm 2020, nước này có hơn 12.500 học sinh thiệt mạng do tự tử.

Năm 2021, Viện Nghiên cứu chính sách thanh niên quốc gia Hàn Quốc cho biết, gần 1/3 (27%) học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông nước này từng có ý nghĩ muốn tự tử vì quá tải với gánh nặng học tập trong năm 2020.

Cũng trong năm 2020, số trẻ em tự tử ở Nhật Bản tăng kỷ lục, cao nhất trong 4 thập niên. Cụ thể, có 415 trẻ trong độ tuổi từ tiểu học tới trung học phổ thông đã tự tử. Con số này nhiều hơn gần 100 trẻ so với năm trước đó.

Để góp phần giảm bớt những thảm kịch này, các quốc gia đã nỗ lực triển khai những biện pháp cụ thể, như: Lập trang web, đường dây nóng, kênh mạng xã hội, chat online. Qua đó, nhằm hỗ trợ tư vấn phòng ngừa tự tử ở trẻ em.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần dành thời gian bên trẻ. Cha mẹ có thể đi đón trẻ vài lần trong tuần, đưa con đi ăn, chơi hoặc đơn giản là hát cùng con. Bởi, thực tế, trẻ ở bất cứ độ tuổi nào cũng cần cha mẹ quan tâm để không có cảm giác hụt hẫng, bị bỏ rơi.

Đồng thời, cha mẹ cũng nên tìm hiểu suy nghĩ của trẻ. “Đừng lấy mơ ước của mình thành của con để tạo những áp lực lên trẻ quá nhiều. Hãy thấu hiểu con hơn, nói chuyện, lắng nghe những gì con muốn tâm sự. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên tìm đọc những cuốn sách nói về suy nghĩ, tâm sinh lý của trẻ ở các độ tuổi khác nhau để dễ dàng trò chuyện và thấu hiểu hơn”, bác sĩ Cường khuyên.

Cha mẹ cũng cần khuyến khích trẻ phát biểu và nói ra ý kiến cá nhân. Chuyên gia này cho biết, khuyến khích trẻ cũng là một cách giúp tăng tình cảm giữa cha mẹ và con. Song, cha mẹ cần lưu ý, không nên khen trẻ quá nhiều. Bởi, hành động đó có thể khiến trẻ tự phụ, kiêu căng.

“Hãy từ bỏ thói quen quát mắng, dọa nạt khi trẻ làm sai. Người lớn luôn có lý do khi làm một việc gì đó, trẻ em cũng vậy. Hãy thử đặt mình vào vị trí của trẻ để xem trẻ muốn gì để có thể hiểu và cảm thông cho con.

Suy nghĩ về một việc ở cùng một góc độ của trẻ và người lớn rất khác nhau. Đừng vội áp đặt suy nghĩ của mình lên con. Thấu hiểu những suy nghĩ và mong muốn của con chính là cách giáo dục trẻ tốt nhất!”, bác sĩ Mạnh Cường khuyến cáo.

Cha mẹ cũng có thể xây dựng thói quen tốt cho trẻ. Ví dụ, phụ huynh khuyến khích con chơi thể thao, học một số môn nghệ thuật. Bác sĩ Cường cho biết, điều đó sẽ giúp trẻ phát triển trí thông minh và giảm áp lực. Đồng thời, cha mẹ nên khuyến khích trẻ luôn tự tin vào bản thân, dành thời gian giải trí và thư giãn sau khi học tập căng thẳng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ