Giải pháp dạy học yếu tố Hán Việt, từ Hán Việt

GD&TĐ - Giảng viên Huỳnh Văn Minh và Hoàng Thị Quỳnh Trang (Trường ĐHSP HCM) qua khảo sát, rút ra hạn chế, bất cập đã đề xuất những nhóm giải pháp cho việc biên soạn chương trình cũng như việc dạy - học yếu tố Hán Việt, từ Hán Việt đạt hiệu quả.

Giải pháp dạy học yếu tố Hán Việt, từ Hán Việt

Phải bắt đầu từ ngay bậc tiểu học

Về công tác đào tạo giáo viên, hai giảng viên Huỳnh Văn Minh và Hoàng Thị Quỳnh Trang cho rằng, việc xây dựng các học phần cơ sở, các chuyên đề có liên quan đến Hán Nôm, lớp từ mượn tiếng Hán, công việc này không phải chỉ đối với đội ngũ giáo viên bậc THCS, THPT mà phải bắt đầu từ ngay bậc Tiểu học - việc mà hầu như chưa có đơn vị đào tạo nào thực hiện.

Giảng viên Huỳnh Văn Minh và Hoàng Thị Quỳnh Trang 

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức rèn luyện, trau dồi về năng lực ngôn ngữ, kĩ năng giải thích, phân tích các vấn đề nói chung và ngôn từ nói riêng; nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên.

Vai trò của văn hóa đọc không gì phải bàn. Không thể suy nghĩ rằng, tiếng Việt đọc được là có thể hiểu được. Đọc mà hiểu là phải ở một“trình” nào đó.

Nền tảng của lớp từ mượn gốc Hán là ở chữ Hán. Thông qua tiếng Việt, nhận diện và “quy ra được”chữ Hán thì khả năng lý giải, phân tích ngữ nghĩa nói chung là thuận lợi, dễ dàng hơn.

Đây là con đường tiếp cận trực tiếp dẫn đến “cảm giác ngôn ngữ trực tiếp”. Vì vậy, giúp sinh viên xây dựng thái độ, tinh thần học tập nghiêm túc, đặc biệt là với các môn được cho là vừa “khô” vừa “khổ” như Hán Nôm cũng như các môn có liên quan đến bộ môn này.

Về việc điều chỉnh ở sách giáo khoa, theo giảng viên Huỳnh Văn Minh và Hoàng Thị Quỳnh Trang, cần khái quát lại phần lý thuyết chung. Bài học nên được sắp xếp thành nhóm, tránh “phân mảng” như hiện nay.

Việc bố trí gián cách những bài học có cùng nội dung, mặc dù đã có định hướng, nhưng nhìn chung là rất bất tiện cho việc triển khai quá trình dạy - học, làm mất tính liên tục của vấn đề, đó còn chưa kể sự khó khăn, bất cập trong việc ghi chép bài vở của học sinh.

Nếu thực sự muốn thống kê số lượng yếu tố Hán Việt, từ Hán Việt xuất hiện thì nên thống kê ở từng bài và thống kê theo nhóm, theo phạm vi (có định hướng), không nhất thiết phải thống kê toàn bộ các yếu tố, các từ Hán Việt có trong bài học đó.

Ưu tiên thống kê các yếu tố Hán Việt độc lập trước, vì đây là nhóm yếu tố Hán Việt quen thuộc, dễ nhận diện rồi lấy đó làm “căn cứ” để mở rộng.

Còn như vẫn bảo lưu bảng tra cứu đã có, để phát huy hiệu quả, cần có cách sắp xếp hợp lí hơn. Đồng thời, cũng nên có những hướng dẫn, yêu cầu cụ thể để giáo viên, học sinhcó ý thức và thường xuyên sử dụng, tra cứu.

Trên cơ sở Bảng tra cứu yếu tố Hán Việt, có thể lồng ghép, giới thiệu cho học sinh làm quen, nhận diện một số các đơn vị chữ Hán cơ bản, “làm vốn liếng” để các em theo học những ngành có liên quan sau này.

Giúp học sinh làm quen với một số yếu tố phụ trước, phụ sau có tần số xuất hiện cao trong các tổ hợp gốc Hán (phụ trước: vô, phi, bất, sở...; phụ sau: thủ, sĩ, viên, giả, gia..) đương nhiên, cần cân nhắc lựa chọn giới thiệu một vài trong số chúng.

Việc giải thích, phân tích và tạo lập các tổ hợp yếu tố gốc Hán là thao tác được lồng ghép thường xuyên không chỉ hạn hẹp trong các bài học có nội dung liên quan.

Nguyên tắc cơ bản tìm hiểu, phân tích, giải thích yếu tố Hán Việt, từ Hán Việt

Chương trình Ngữvăn THCS gồm 4 bộ sách, cả thảy 8 tập, tổng số lượng yếu tố Hán Việt được thống kê là 220. Nếu đem so với khối lượng từ vựng phải học của một ngoại ngữ nào đó trong suốt 4 năm, thì rõ ràng 220 là con số khiêm tốn.

Mỗi bài học chỉ thống kê từ 1 đến 10 yếu tố Hán Việt, dẫn tới hệ quả, học sinh sẽ có suy nghĩ rằng bài học đó chỉ có chừng ấy yếu tố Hán Việt và đã được thống kê, còn lại không phải là yếu tố Hán Việt.

Giảng viên Huỳnh Văn Minh và Hoàng Thị Quỳnh Trang

Cuối cùng là xây dựng những “nguyên tắc cơ bản” trong việc tìm hiểu, phân tích, giải thích yếu tố Hán Việt, từ Hán Việt, giúp học sinh (kể cả sinh viên) hình thành khả năng và kĩ năng sử dụng tiếng Việt nói chung.

Đó là: Hạn chế việc sử dụng tổ hợp gốc Hán để “chú giải” cho một yếu tố gốc Hán; dùng cái đã biết để nói cái chưa biết; lấy cái đơn giản để nói cái phức tạp.

Từ nghĩa gốc mở rộng ra nghĩa phái sinh; từ cái cụ thể để nói cái khái quát; từ mức độ phổ thông nâng lên, tiếp cận mức độ khoa học, chuyên môn.

Ngữ nghĩa của yếu tố được giải thích phải đặt trong mối tương quan với ngữ nghĩa của tổ hợp.

Trừ những trường hợp bất khả kháng mới vận dụng những nguyên tắc khác ngoài những nguyên tắc nêu trên.

Điều quan trọng là, phải tìm được một đơn vị từ vựng tương ứng (ưu tiên từ thuần Việt) để chú giải cho yếu tố cần chú giải. Phải từ những đơn vị từ vựng cụ thể như vậy thì học sinh mới có thể nắm bắt, so sánh, đối chiếu và thông qua đó để có thể khái quát thành những mức độ cao hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ