Giải pháp cho tên miền tiếng Việt?

Giải pháp cho tên miền tiếng Việt?

(GD&TĐ) - Lâu nay, cư dân mạng đã quen sử dụng tên miền nước ngoài qua những website có các đuôi .com, .net, .info, .org… hoặc tên miền tiếng Việt (không gõ dấu) sử dụng các đuôi .com.vn, .vn, edu.vn… Sau 3 tháng cấp phát ưu tiên, mới đây Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chính thức cung cấp miễn phí cho các tổ chức, cá nhân hơn 30.000 tên miền tiếng Việt. Mới nghe thì đây là một dấu hiệu khởi sắc cho giới công nghệ, nhưng nhiều người đã than phiền về những bất cập trong việc tạo tên miền tiếng Việt có dấu… nên đến nay, hầu như vẫn chưa có website nào hoạt động chính thức bằng tên miền này.

Những bất cập?

Vì muốn phát triển riêng tên miền tiếng Việt (có dấu) là tài nguyên quốc gia và khuyến khích mọi người sử dụng nên VNNIC đã cho không hàng chục, trăm ngàn tên miền mới này. Tuy nhiên, dư luận trên các diễn đàn vẫn không “welcome” lắm về việc cho không tên miền này, vì những lý do bất tiện như sau:

- Thứ nhất, bộ gõ tiếng Việt có quá nhiều dấu (chưa kể trước đây có rất nhiều mã, font chữ có dấu) mà không thể viết liên tục (không khoảng cách) vừa chữ vừa dấu dính liền nhau được. Nếu muốn viết có dấu phải tạo khoảng cách giữa các chữ xong rồi thu các khoảng cách đó lại sát nhau lần nữa, như vậy rất mất thời gian. (Thí dụ tạo website: www.cẩm nang doanh nghiệp.vn => www.cẩmnangdoanhnghiệp.vn ).

- Thứ hai, đến khi gõ xong website tên miền tiếng Việt có dấu rồi nó cũng quay trở lại      trang web tên miền tiếng Việt không dấu. (TD: www.cẩmnangdoanhnghiệp.vn => www.camnangdoanhnghiep.vn).

- Thứ ba, người Việt còn thấy gõ có dấu dài dòng, rắc rối trong cách bỏ dấu theo mỗi nơi, khó nhớ thì nói chi đến người nước ngoài muốn truy cập vào. Có ý kiến cho rằng, nếu muốn phát triển rộng ra quốc tế thì đi kèm với mỗi tên miền tiếng Việt, sẽ phải có một tên miền tiếng Latin (?!)

Cuối cùng, tình trạng cho không sẽ không đáp ứng được lượng đăng ký miễn phí quá đông cùng lúc. Vì cung cấp dịch vụ miễn phí lại không đủ kinh phí đầu tư cho băng thông và đường truyền hiệu quả nên gây kẹt mạng. Mặt khác, các thủ tục đăng ký nhập tên miền cũng rất phức tạp. Có người đăng ký lại đến 10 lần mà vẫn không có được 1 tên miền miễn phí! Họ đã kiểm tra kỹ thông tin đăng nhập nhưng vẫn không hiểu mình phải làm sao cho hợp lệ (?!)

 

Theo anh Lê Hải Bình – GĐ Cty Mắt Bão, hiện tại tên miền tiếng Việt đang gặp phải khá nhiều bất cập, do đặc thù của tiếng Việt là chữ Latin có dấu nên khó có thể thúc đẩy tên miền tiếng Việt phát triển trong thời điểm hiện tại.

Sở dĩ ngay tại thời điểm hiện tại, các website vẫn chưa sử dụng tên miền tiếng Việt, bởi họ đã có 1 tên miền .vn (không dấu) sẵn rồi, nên việc ứng dụng tên miền tiếng Việt là chưa cần thiết. Mặt khác, chưa nói đến việc hạn chế truy cập từ nước ngoài do hạn chế về bộ gõ và khả năng gõ tiếng Việt, mà Internet là môi trường không giới hạn về không gian nên việc hạn chế truy cập là điều khá kị trong quá trình phát triển dịch vụ trên Internet.

Còn anh Đồng Phước Vinh, (Chuyên viên R&D, Văn phòng phía Nam Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM HCM) thì nhận xét: “Tôi nghĩ bản chất Internet là không phân định về không gian, thời gian nên việc dùng tên miền tiếng Việt cũng không thực tế vì ngay cả người Việt khi Chat, Email cũng thường gõ không dấu cho nhanh, có lẽ ít ai đủ kiên nhẫn ngồi gõ dấu tên miền khi lướt web…”.

Giải pháp tối ưu

Nhiều chuyên gia cho rằng những bất cập nêu trên là khó khăn chung của tiếng Việt đối với ngành công nghệ thông tin của Việt Nam, chứ không phải riêng tên miền tiếng Việt. Hơn nữa, việc đánh tên miền tiếng Việt vào thanh URL không khác gì việc đánh tên miền tiếng Việt thông thường, chỉ hơi khác là thay vì việc đánh phím Spacebar tại cuối mỗi từ, người dùng sẽ đánh phím Ctrl. Việc các bộ gõ thông dụng như Vietkey, Unikey cung cấp giải pháp dùng phím Ctrl là một nỗ lực góp phần giảm bớt khó khăn trong việc sử dụng tiếng Việt.

Việc nghiên cứu và đưa ứng dụng tên miền tiếng Việt mới đây thể hiện tầm nhìn rất xa của các nhà nghiên cứu phát triển tên miền. Bởi, tên miền là tài nguyên tương đối hữu hạn, mà tốc độ tăng trưởng số lượng đăng ký tên miền tại Việt Nam khá cao. Trong tương lai, khi tên miền .vn (không dấu) được đăng ký nhiều, sẽ hết dần các tên miền hay, tên miền đẹp. Khi đó, các ứng dụng về ngôn ngữ trên Internet được cải thiện thì việc sử dụng tên miền tiếng Việt là điều chắc chắn. Vấn đề là cần có những giải pháp cụ thể để không gây lãng phí trong việc cấp phát miễn phí tên miền tiếng Việt.

 

Theo anh Đồng Phước Vinh, để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp thì cần có chính sách bảo hộ cả cụm từ trong tên miền. Có như vậy thì mới giúp doanh nghiệp bảo vệ tốt thương hiệu của mình. Một số công ty nước ngoài đã thắng kiện các công ty trong nước sử dụng thương hiệu và tên miền có cụm từ mà họ đã đăng ký bảo hộ. Nhưng ngược lại, đối với các công ty trong nước thì việc kiện đòi tên miền có cụm từ đã được mình đăng ký bảo hộ vẫn rất nhiêu khê vì nhà quản lý tên miền vẫn nhất mực trung thành với nguyên tắc ‘‘ai đăng ký trước là được’’. Lẽ ra nguyên tắc này phải kèm theo điều kiện ‘‘không được dùng tiếp khi tên miền có cụm từ đã được bảo hộ" thì mới thỏa đáng.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ thương hiệu, việc dùng song song tên miền .com.vn.vn khiến doanh nghiệp luôn phải mua một cặp 2 tên miền vì sợ bị người khác mua mất. Tên miền .com.vn sau khi mua sẽ phải bỏ không, chỉ dùng để trở về tên miền .vn mà thôi. Đây là sự tốn kém lớn cho doanh nghiệp, vì với hàng chục ngàn tên miền .com.vn mà doanh nghiệp phải mua để giữ chỗ, tiền duy trì hàng năm (350.000 đồng/ 1 tên miền .com.vn) lên đến vài tỉ đồng. 

Còn anh Lê Hải Bình thì cho rằng giải pháp để phát triển thương hiệu tên miền tiếng Việt chính ở chỗ làm cách nào để giảm thiểu những hạn chế của nó, nhất là mặt ngôn ngữ. Hiện tại, hầu hết các trình duyệt đều hỗ trợ tiếng Việt, do đó chúng ta không phải quá lo lắng về việc tên miền tiếng Việt sẽ xuất hiện được hay không trên trình duyệt. Vấn đề còn lại liên quan đến ngôn ngữ là làm sao để người khác có thể gõ dễ dàng tên miền tiếng Việt? Có lẽ, việc nghiên cứu xây dựng 1 bộ từ điển gợi ý từ để trợ giúp các trình duyệt, ứng dụng Internet là cần thiết. Việc này sẽ hỗ trợ những người không biết / chưa biết / chưa quen với gõ tiếng Việt có dấu dễ dàng vào website sử dụng tên miền tiếng Việt hơn nữa.

Vì tên miền tiếng Việt cũng là một nguồn tài sản quốc gia nên việc giáo dục nhận thức giữ gìn tiếng Việt hay việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tên miền tiếng Việt cũng rất quan trọng. Nó làm cho người ta nhớ về tên miền tiếng Việt, suy nghĩ về tên miền tiếng Việt thì khi có nhu cầu, sử dụng tên miền tiếng Việt là chắc chắn.

Nhìn chung, nhiều người vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng về việc xuất hiện một tên miền tiếng Việt kiểu mới nhưng lại tự động dẫn trở về nguồn tên miền tiếng Việt truyền thống (không dấu). Có ý kiến cho rằng nó sẽ “chết” như một số nước khác đã từng làm tên miền có dấu của họ. Vì thế, nếu đề xuất một giải pháp thì hiện nay, chúng ta chỉ có thể dùng tên miền tiếng Việt kiểu mới này như một công cụ hỗ trợ để dẫn về trang chính website của họ thì được! Nhưng nếu có những giải pháp cụ thể từ bây giờ, tên miền tiếng Việt có dấu trong tương lai chắc chắn sẽ trở thành một tầm chiến lược phát triển tốt về thương hiệu các website trong nước, đó cũng là niềm tự hào của người Việt chúng ta!

Vì tên miền tiếng Việt cũng là một nguồn tài sản quốc gia nên việc giáo dục nhận thức giữ gìn tiếng Việt hay việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tên miền tiếng Việt cũng rất quan trọng. Nó làm cho người ta nhớ về tên miền tiếng Việt, suy nghĩ về tên miền tiếng Việt thì khi có nhu cầu, sử dụng tên miền tiếng Việt là chắc chắn.

Đỗ Hương 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.