Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo các địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và có giải pháp cụ thể để chấn chỉnh, vì thực tế có nơi không quản lý được và biến tướng trong dạy, học thêm, gây bức xúc trong nhân dân.
Liên quan đến quản lý dạy, học thêm, đại biểu Nguyễn Văn Huy - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thái Bình, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra giải pháp: Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Về giải pháp này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, Bộ từng nghiên cứu và có văn bản gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trong quá trình sửa Luật Đầu tư và có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020.
Xung quanh đề xuất của đại biểu Quốc hội và Bộ GD&ĐT, những ngày qua, dư luận có khá nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng dạy học khác các ngành kinh doanh khác. Dù dạy thêm tràn lan là điều nhức nhối, nhưng không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội… như các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay. Vì thế, không cần thiết thêm một ngành kinh doanh có điều kiện.
Số khác thì cho rằng học thêm là một nhu cầu, cần có quy định rõ ràng, hành lang pháp lý để quản lý hiệu quả, giám sát và ngăn chặn các vụ việc tiêu cực. Kết quả khảo sát của Báo Tuổi trẻ mới đây về việc ủng hộ hay không đưa dạy thêm vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện cho thấy số người ủng hộ chiếm cao nhất.
Thực tế cho thấy dạy, học thêm là nhu cầu có thực trong xã hội. Không chỉ học sinh chưa vững kiến thức cần ôn luyện thêm mà cả những em khá giỏi cũng có nhu cầu nâng cao năng lực để tham gia các cuộc thi có tính cạnh tranh cao như chuyển cấp, học sinh giỏi, tốt nghiệp THPT… Đó là chưa kể ngoài các môn trong chương trình, học sinh còn có nhu cầu học nhiều kiến thức khác như kỹ năng mềm, ngoại ngữ, công nghệ thông tin…
Trước nhu cầu của phụ huynh, học sinh, một số nhà giáo có năng lực, kinh nghiệm, uy tín mở lớp ngoài giờ, vừa để đáp ứng nhu cầu người học, vừa có điều kiện cải thiện thu nhập. Như vậy, việc dạy thêm xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không có gì đáng lên án, chỉ đáng quan ngại với hiện tượng biến tướng, ép học sinh học thêm.
Trong bối cảnh dạy học, thi cử và đặc thù tâm lý xã hội của nước ta hiện nay, xóa bỏ dạy, học thêm là chưa thể. Vấn đề quan trọng là cần quy định và tổ chức thực hiện thế nào cho lành mạnh. Đề xuất đưa dạy thêm vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện được xem như giải pháp quản lý hết sức cần thiết. Khi có hành lang pháp lý với những điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, chuyên môn, giá cả... thì việc quản lý, xử lý vi phạm về vấn đề dạy thêm sẽ dễ dàng hơn và hạn chế biến tướng.
Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta cần phấn đấu giảm thiểu dạy, học thêm, để bảo đảm bình đẳng trong giáo dục, giúp học sinh giảm bớt áp lực, có sự cân bằng lành mạnh giữa học tập và cuộc sống.
Song song với việc đưa dạy thêm vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện, cần tiếp tục triển khai hiệu quả, chất lượng Chương trình GDPT 2018; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng chất đội ngũ; đổi mới công tác thi cử, tuyển sinh. Đặc biệt, cần tiến tới nâng cao thu nhập cho nhà giáo, bởi đảm bảo đời sống của các thầy cô là một trong những việc làm thiết thực để tiến tới xóa dạy thêm.