Đại biểu Quốc hội đề nghị thanh, kiểm tra dạy thêm, học thêm

GD&TĐ - Cần có các hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm, để không làm phát sinh các vấn đề nan giải.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn).
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn).

Thảo luận tại tổ 3 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nêu ý kiến, thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm là vấn đề được đông đảo cử tri cũng như các cơ quan truyền thông báo chí quan tâm. Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các địa phương cũng quan tâm đến vấn đề này và thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, thời gian qua, vấn đề dạy thêm học thêm, đặc biệt là ở các đô thị lớn không có nhiều chuyển biến. Nhiều trường hợp, tuy việc học thêm là phù hợp với nhu cầu của gia đình nhưng lịch học chính khóa cũng như lịch học thêm vẫn còn quá dày.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị, Bộ GD&ĐT xem xét lại chương trình giáo dục và có phân tích kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp để giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, có các hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm, để hoạt động này vừa đáp ứng được nhu cầu của các gia đình, nhưng không làm phát sinh các vấn đề xã hội nan giải như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương).

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương).

Để tiếp tục thúc đẩy việc triển khai hiệu quả chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, cần thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách xã hội hóa giáo dục trong các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục.

Mặt khác, cần sớm tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đồng thời rà soát để kịp thời phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, cần thực hiện các hình thức khen thưởng, tôn vinh những tấm gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục; đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các thủ tục thu hút và quản lý các nguồn lực huy động để phát triển giáo dục.

Cùng với đó, mở rộng thực hiện các dự án hợp tác công - tư, các chương trình liên kết trong giáo dục, đào tạo. Ngoài ra, cần tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò chủ đạo của nhà nước trong việc phát triển giáo dục và điều hướng phát triển xã hội hoá giáo dục, quản lý chặt chẽ về chất lượng giáo dục và giá cả dịch vụ giáo dục được xã hội hoá.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận).

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận).

Ở góc nhìn khác, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) nhận thấy, có tình trạng thương mại hóa giáo dục. Tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa được các địa phương khắc phục.

Do đó, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị, cần sớm có giải pháp để khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên. Đặc biệt, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách quan tâm hơn nữa đến giáo dục và đào tạo.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị, Bộ GD&ĐT tiếp thu, xem xét ý kiến của phụ huynh, dư luận về những băn khoăn liên quan đến sách giáo khoa; từ đó đưa ra cách tháo gỡ (nếu như những băn khoăn đó là đúng). Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh cho những vùng miền khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.